Theo đề cương nghiên cứu “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại thành phố Nha Trang” thuộc Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam, vừa được Bộ Y tế phê duyệt, từ tháng 3/2017 muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia sẽ được thả tại 4 phường của thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Khu vực thả muỗi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống, gồm phường Vĩnh Phước và phường Vĩnh Thọ ở phía Bắc Nha Trang, phường Vĩnh Trường và bốn tổ dân phố của phường Phước Long giáp với phường Vĩnh Trường ở phía Nam Nha Trang.
Ở những nơi này, Dự án đã xác lập 773 ô vuông thả muỗi (mỗi ô có diện tích 2.500 m2). Trong 12 đến 18 tuần, mỗi tuần sẽ có khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia được thả trong mỗi ô, làm giảm dần số lượng muỗi vằn tự nhiên, trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và Zika.
Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây sốt xuất huyết và Zika, nhưng muỗi vằn trong tự nhiên lại không mang Wolbachia.
Muỗi cái tự nhiên giao phối với muỗi đực mang Wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không phát triển thành muỗi, trong khi muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực tự nhiên hay muỗi đực mang Wolbachia đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang Wolbachia.
Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học Australia đã phát minh phương pháp nhân giống và thả ra môi trường loại muỗi vằn (Aedes aegypti) mang Wolbachia, để muỗi mang vi khuẩn Wolbachia thay thế dần loại muỗi vằn tự nhiên.
Năm 2013, muỗi mang Wolbachia đã được thả thí điểm tại đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Từ đó tới nay trên đảo Trí Nguyên không có dịch sốt xuất huyết, dù năm 2015 và 2016 tại TP Nha Trang có dịch sốt xuất huyết lớn.