Đáng quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay là điều gì sẽ xảy ra sau quyết định này. Động thái trên chắc chắn là một bước thụt lùi đối với cả nhân loại và là một đòn giáng mạnh mẽ đối với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảo ngược hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thế giới đang phải vật lộn với mục tiêu giảm lượng khí thải đủ để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C. Thỏa thuận Paris đóng vai trò quan trọng bởi nó đưa ra một cơ chế để các nước tuân thủ cam kết của họ trong việc giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhưng giờ đây, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tuyên bố rằng họ không muốn là một phần của thỏa thuận này. Vậy nên câu hỏi lớn hiện giờ là các nước khác trên thế giới phản ứng ra sao với quyết định của Tổng thống Trump: Liệu họ có tiếp tục cam kết hiệp định này, hay hiệp định sẽ lụn bại vì thiếu Mỹ.
Bước thụt lùi của nước Mỹ
Hiệp định Paris, được 195 quốc gia ký kết trong năm 2015, chưa từng được Thượng viện Mỹ phê chuẩn nên nước này sẽ chỉ chịu một số rào cản nhỏ khi rút khỏi nó. Chính quyền Trump đã khởi động cơ chế rút khỏi Thỏa thuận Paris, chính thức bắt đầu tiến trình pháp lý kéo dài 4 năm mới có thể hoàn thiện, và dự đoán sẽ hoàn tất vào ngày 4-11-2020, tức sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo, chính quyền mới lúc đó có thể lựa chọn gia nhập lại Hiệp định Paris.
Sau quyết định của ông Trump thì Mỹ vẫn sẽ duy trì một nhóm làm việc tại hội nghị khung của LHQ về biến đổi khí hậu và vẫn có thể tham gia vào các cuộc thảo luận về khí hậu do LHQ tổ chức. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ không tuân thủ bất kỳ cam kết nào thuộc Thỏa thuận Paris và sẽ chỉ gia nhập lại nếu như các điều khoản được đàm phán lại - điều mà khó có thể xảy ra.
Cùng lúc, chính quyền Trump vẫn sẽ thúc đẩy các chính sách khí hậu trong nước, trong đó gồm Kế hoạch Năng lượng sạch để giảm thiểu khí thải từ các nhà máy điện và hàng loạt các quy định khác về rò rỉ khí Methan từ các hoạt động khai thác dầu khí.
Điều này cho thấy, rút khỏi hiệp định Paris không có nghĩa là Mỹ chấm dứt hoàn toàn nỗ lực chống hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng rõ ràng nỗ lực đó ít hơn nhiều so với khi họ còn duy trì hiệp định Paris. Trong năm 2015, chính quyền Obama từng tuyên bố cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 26-28% trong năm 2025, theo Thỏa thuận Paris. Nhưng theo các chính sách hiện nay dưới thời Trump, lượng cắt giảm này đã hạ xuống còn 15-19%.
Phản ứng của thế giới ra sao?
Giới lãnh đạo ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu ngay cả khi thiếu Mỹ. Điều khó khăn ở đây là các vòng đàm phán về khí hậu tổ chức trong tương lai.
Vấn đề là ở chỗ, khi mà nước phát thải lớn thứ hai thế giới rút khỏi Thỏa thuận Paris, các nước khác có thể sẽ cảm thấy ít động lực hơn trong việc thực thi các kế hoạch giảm thải của riêng họ. Ngoài ra, trong một phần của Thỏa thuận Paris, Mỹ cam kết viện trợ 3 tỷ USD cho các nước nghèo hơn để giúp họ phát triển năng lượng sạch và chống các ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Trước đây, chính quyền Obama đã triển khai 1 tỷ USD, nhưng giờ chính quyền Trump đã tuyên bố sẽ hủy tất cả các khoản chi trong tương lai. Bởi vậy mà các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á sẽ có ít động lực hơn để giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra thì nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế sau khi rời khỏi Thỏa thuận Paris. Châu Âu, Trung Quốc và nhiều nước khác đang cân nhắc biện pháp trừng phạt Mỹ, có khả năng là sẽ ngừng hợp tác với chính quyền Trump trong nhiều lĩnh vực, như thương mại…
Thỏa thuận Paris được xem là bước đi đầu tiên trong một tiến trình dài kỳ hướng tới mục tiêu làm chậm biến đổi khí hậu. Nhưng ngay cả trước khi Mỹ quyết định rút khỏi thì các nỗ lực này cũng đã gặp nhiều trắc trở. Các cam kết hiện tại - bao gồm tiến dần tới mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 3 độ C - được coi là rất thách thức
Liệu thế giới có tránh được các thảm họa tương lai liên quan tới biến đổi khí hậu hay không giờ phải phụ thuộc vào các nước như Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh tay cho năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhưng họ khó có thể gây sức ép cho các nước khác tăng cường các nỗ lực tương tự trong một thời gian dài.
Nhưng ít nhất, thế giới có thể hy vọng rằng, chính quyền mới của Mỹ trong tương lai có thể thay đổi chính sách của họ về biến đổi khí hậu, thậm chí có thể tái tham gia hiệp định Paris.