Rong ruổi chốn thị thành
Những ngày cuối năm 2020, khi gió mùa ùa về, xóm nhỏ ven chợ hoa quả Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) như bận rộn, đông đúc hơn.
Chị Phạm Thị Nhài (Lộc Hà, Hà Tĩnh) từ mờ sáng đã đi lấy hàng rồi gánh đi bán dạo khắp những khu phố của Hà Nội. Xa quê cũng đã hơn 7 năm, những ngày đầu mới ra Hà Nội, sức khỏe còn nên hễ ai kêu gì chị Nhài đều làm nấy, kể cả việc phụ hồ cực nhọc. Nhưng 3 năm trở lại đây sức khỏe yếu dần, chị đã chọn gánh hàng rong để mưu sinh. 3 năm, chị không tính được mình đã đi bao nhiêu cây số, chỉ biết, trừ những lúc ốm không gượng dậy nổi còn thì chả bao giờ ngơi chân.
“Ngày mưa cũng như ngày nắng, cứ khoảng 3 rưỡi sáng là tôi lại rùng rình đôi quang gánh ra khỏi nhà và chỉ trở về nhà trọ khi trời tối mịt, có khi đến tận đêm khuya. Nhiều người thường gọi tôi là “ma hàng rong”. Làm quanh năm không dám nghỉ ngày nào, trừ những lúc ốm đau hay trời mưa bão đường ngập không đi được phải chịu. Nhưng cũng nào có dám nghỉ lâu, ở nhà gia đình còn đang khốn khó, con cái thiếu tiền ăn học…”, chị Nhài tâm sự.
Vì là hàng rong nên chị Nhài không có địa điểm bán cố định, chị gánh hàng đi tất cả các ngả đường ở Hà Nội, từ ngõ sâu cho đến đường lớn. Mỗi ngày chị gánh trên vai cả chục cân hàng, khi thì cóc, ổi, cam, xoài; khi thì xôi, cốm, khoai, sắn, bánh trái… Ban ngày, dòng chảy hối hả của chốn thị thành cuốn con người vào công việc nên gánh hàng rong của chị dường như vắng khách. Chỉ khi những ngọn đèn cao áp bật lên, người dân thành phố đã dứt ra khỏi “cơm áo gạo tiền” quây quần bên gia đình, bè bạn hoặc thanh thản dạo phố, đắm chìm trong cái hoa lệ của Hà thành thì cóc, ổi, xoài… từ gánh hàng rong của chị Nhài mới có khách. Vất vả là thế nhưng cả ngày công cũng chỉ được 100 - 200 nghìn đồng. Với chị Nhài, đây là số tiền không nhỏ.
“Người ta có sẵn đồng vốn thì dễ tính chuyện làm ăn, còn mình ít vốn thì đành phải chịu. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa bán buôn ế ẩm lắm. Mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ bán được 100 - 200 nghìn đồng. Nhưng thôi, cứ kiếm được đồng nào hay đồng ấy vì cuộc sống có cả trăm thứ để chi từ ăn uống, điện nước sinh hoạt hàng ngày đến học phí của con…”, chị Nhài cho biết.
Với những người phụ nữ bán hàng rong như chị Nhài, đêm khuya đắt khách cũng đầy nguy hiểm. Nơi đáng sợ nhất là các công viên - nơi tập trung đủ loại người, đặc biệt dân nghiện. Không ít người đã bị bọn chúng trấn cướp lấy hết tiền, còn bị đánh đập. Chị Nhài vài tháng trước cũng bị hai tên nghiện hút lấy hết tiền, phá tung gánh hàng rồi đánh chị thâm bầm hết cả chân tay, phải nằm nhà mất cả tuần.
Kết thúc công việc hàng ngày, chị Nhài trở về phòng trọ vào lúc nửa đêm. Đối với chị, phòng trọ là nơi ngả lưng tạm thời sau một ngày làm việc mệt mỏi. Cũng vì nhu cầu chỉ có vậy nên chị chọn cách sống chung với những người có cùng cảnh xa quê để giảm bớt khoản chi phí thuê nhà.
Chị Nhài tâm sự: “Ở quê vất lắm, làm bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn. Cả năm trồng lúa được vài triệu, thiên tai bão bùng thì lại mất mùa. Không lên đây làm thì cả nhà chết đói. Dù thiếu thốn nhưng cũng phải quen thôi, người ta ở được mình cũng ở được, ít ra còn có nơi chui vào”.
Chi tiêu dè dặt, ăn uống tiết kiệm nhưng khi được hỏi có thường xuyên về thăm gia đình hay không thì chị Nhài nhanh chóng lắc đầu. Theo chị Nhài, hầu hết những người bán hàng rong xa quê như chị đều không mấy khi về thăm nhà. Họa hoằn lắm thì năm về 1-2 lần, chỉ khi nào nhà có công có việc quan trọng hoặc đến Tết thì chị về. Bởi, “mỗi lần về quê rất tốn kém, làm quần quật cả mấy tháng chỉ một chuyến về quê coi như hết vốn làm ăn”.
7 năm qua đi, chị Nhài ít nhiều cũng đã quen với công việc này, quen với nếp sống vất vả, xô bồ ở Thủ đô. Ước mong lớn nhất của chị bây giờ là dành dụm đủ tiền để về sửa lại nhà. “Tuy lao động chân tay nhưng tôi cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Làm việc này thì chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, trừ ăn uống và thuê trọ, tôi dành dụm mỗi tháng cũng được dăm ba triệu. Ở quê làm bao giờ cho ra, tôi cố dành ít tiền để mua ngói lợp lại mái nhà đã hỏng. Tết đến nơi rồi”, chị Nhài nói.
Liêu xiêu trong bóng chiều đô thị
Cứ vào cuối mỗi buổi chiều, khi đường phố đã lên đèn, trên khắp các tuyến đường của khu vực nội thành Hà Nội, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những công nhân vệ sinh môi trường oằn mình đẩy những chiếc xe chất đầy rác đến nơi tập kết để chuyển lên xe ô tô đưa về bãi rác. Hành trình thu gom rác của họ dường như không ngơi nghỉ, phải quét dọn, lượm lặt tất cả các loại rác để trước khi bình minh lên, đường phố đã sạch sẽ, tinh tươm.
Chị Trương Thị Cúc (công nhân Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, phụ trách thu gom rác thải trên đường Hoàng Quốc Việt) chia sẻ: “Vào nghề cũng ngót 10 năm, cứ khoảng 17h30 hàng ngày, tôi cùng đồng nghiệp của mình đẩy xe đến tuyến đường được phân công để quét dọn, thu gom rác. Nó không chỉ là lá cây, túi ni lông, mà còn là cơm thừa canh cặn, rác sinh hoạt gia đình và đủ thứ trên đời các gia đình vứt bỏ... Tất cả được chất hết lên xe rác, đẩy đến bãi tập kết để xe của công ty tới chở đi”.
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng mỗi tối chị Cúc phải đẩy 8-10 xe rác đến điểm tập kết và đợi đến 10 giờ đêm, khi rác được dọn sạch sẽ mới được về nhà. Nhưng không phải lúc nào 10 giờ cũng được nghỉ, có hôm còn phải đến tận 11-12 giờ đêm mới về vì rác quá nhiều, quét dọn không xuể, nhất là những đêm trời mưa to gió lớn, rác thải, lá cây, cành cây gãy rụng nằm ngổn ngang. Những hôm trời nắng, rác bốc mùi, bịt mấy lớp khẩu trang nhưng vẫn vô cùng khó chịu. Còn trời mưa, đường trơn, xe rác bị đổ tung tóe, mấy chị em lại lúi húi quét dọn.
Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những nguy hiểm luôn cận kề. “Mỗi nghề sẽ có những vất vả riêng nhưng tôi đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của bản thân với cộng đồng. Nghề đã chọn mình rồi thì việc quan trọng nhất là phải hết lòng, tận tụy với nó, đừng quản ngại khó khăn. Vì vậy, trong công việc, tôi luôn tâm niệm rằng, công việc của mình là quét hết rác chứ không phải làm hết giờ”, chị Cúc tâm sự.
Làm nghề này, chị Cúc cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý, vào những ngày lễ, Tết, khi mọi gia đình nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa, lên kế hoạch du lịch cùng gia đình thì chị vẫn miệt mài quét dọn để phố phường luôn sạch sẽ. Thậm chí, có những năm, chị Cúc phải đón giao thừa ngoài đường cùng những “bạn đồng hành” là chổi, xẻng xúc rác và xe chở rác.
“Những lúc như vậy, tôi thấy tủi thân vô cùng! Người ta thì được quây quần bên gia đình, cùng nhau cười đùa vui vẻ, chuẩn bị mâm cúng giao thừa, chào đón năm mới nhưng tôi thì không”, chị Cúc trải lòng.
Chị Cúc cho biết, càng vào những dịp lễ, Tết thì công việc của những người công nhân vệ sinh môi trường lại càng thêm bề bộn, vất vả bởi những ngày như vậy, lượng rác thải sinh hoạt thải ra rất lớn. “Làm công nhân quét và thu gom rác như chúng tôi, ngày bình thường thì hầu như đã không có ngày nghỉ rồi, chứ đừng nói chuyện ngày lễ, Tết. Chỉ cần nghỉ một buổi, rác sẽ tràn ngập đường phố”, chị Cúc bộc bạch.
Cũng theo chị Cúc, tuy nghề quét rác cực nhọc là vậy, nhưng điều đáng buồn nhất vẫn là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Trên các tuyến phố, dù số lượng thùng rác được đặt khá nhiều, song người dân vẫn thản nhiên chất rác thành đống ngay dưới chân thùng. Hoặc bỏ ven vệ đường trông rất nhếch nhác, mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.
“Quả thật, nhiều lúc tôi cũng thấy khó hiểu vì hành vi của một số người dân. Mặc dù xe thu gom rác ngay trước mặt, họ vẫn cứ vô tư ném rác xuống mặt đường. Khi nhắc thì họ to tiếng, nói rằng mình đã đóng tiền thì đổ rác ở đâu chẳng được, còn dọn rác là công việc của các chúng tôi; đã lĩnh lương rồi thì phải làm hay có đổ rác ra thì các bà mới có việc mà làm...”, chị Cúc nói.
Điều mà chị Cúc mong mỏi nhất là người dân cần ý thức hơn trong việc thu gom rác thải và sự tôn trọng của họ đối với những người làm nghề quét rác như chị.
“Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần mỗi người dân tự ý thức bảo vệ môi trường một chút, không vứt rác bừa bãi xuống lòng đường, hè phố thì sẽ góp phần giảm đi bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả cho những công nhân quét rác như chúng tôi, được thêm chút thời gian nghỉ ngơi trong công việc không kém phần độc hại này”, chị Cúc mong mỏi.