Đối với người Việt, tục cúng cô hồn được xem là tín ngưỡng tâm linh truyền thống có từ lâu đời.
Theo đó, quan niệm này xuất phát từ truyền thuyết, tháng 7 là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ có thể tự do trở về dương gian. Ngày 15/7 cũng là ngày “âm khí xung thiên” vì thế thường mang đến những điều xui xẻo, đen đủi. Vì thế, vào ngày này nhiều gia đình thường làm cơm, sắm lễ để các “cô hồn” không quấy phá.
Cũng vì quan niệm này mà dân gian kiêng kỵ, tránh tiến hành những việc đại sự của bản thân, gia đình trong tháng 7 để tránh điều không may.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách hiểu về tháng cô hồn như vậy là không đúng, phản khoa học. Thực tế, những điều kiêng kị trên bắt nguồn từ thói quen có từ thời xa xưa. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới, tháng 7 Âm lịch là mùa mưa ngâu, thêm nữa đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa Hạ và mùa Thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường.
Khi tiến hành những công việc như: làm nhà, khai trương, … sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, có thể làm kéo dài thời gian hơn so với dự kiến. Mặt khác, tục cúng cô hồn không phải là để tránh “quấy phá”, xua đuổi điều không may mà mang ý nghĩa rất nhân văn với mong muốn làm phúc, giúp những “cô hồn” có một ngày được no nê, đỡ tủi phận.
Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Ủy viên hội đồng trị sự TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng cho rằng, việc quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng ma quỷ hoành hành, thường mang đến điều xui xẻo… hoàn toàn không đúng. Trong Đạo Phật không có khái niệm ngày tốt, ngày xấu và “tháng cô hồn”. Việc cúng bái, đốt vàng mã là biểu hiện của việc mê tín dị doan, Phật giáo không dạy những điều này.
Thực tế, theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn phong tục cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, phật tử gọi lễ cúng này là bố thí cho những “vong hồn” vật vờ, không có ai thân thích trên trần gian. Nếu hiểu theo nghĩa này thì, tục cúng cô hồn mang nghĩa nhân văn tức là mong muốn cầu cho tất cả những “vong hồn” người chết không nơi nương tựa được siêu thoát, bình an.
Ngoài ra, tháng 7 Âm lịch trong Đạo Phật còn được gọi là tháng báo hiếu cha mẹ, tháng của lễ Vu Lan. Đây là ngày lễ lớn trong năm, là nét đẹp văn hóa có ý nghĩa giáo dục lòng hiếu thảo và đền đáp công ơn của đấng sinh thành. Đối với Phật tử thì tháng Bảy là thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu.
Việc bố thí,làm phúc trong tháng này cũng là điều rất tốt. Tuy nhiên Thượng tọa Thích Thanh Tuấn lưu ý, thực hành bố thí - ở đây là “thí thực” nên lễ phẩm chủ yếu là thực phẩm, không nên quá lãng phí cho việc mua sắm vàng mã, rải tiền lẻ... Đặc biệt là không nên kiêng kỵ và sợ hãi ma quỷ theo kiểu mê tín dị đoan.
“Con người và vạn vật đều tuân theo quy luật sinh tồn không nên kiêng kị vào những điều không có cơ sở. Thay vào đó, mọi người nên tu tâm, tích đức làm nhiều việc thiện. Nếu có tâm, có đức thì ma quỷ cũng phải sợ”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn khẳng định.
Theo đó, bước vào tháng 7 Âm lịch, các chùa thường lập đàn tụng kinh Vu Lan để cầu siêu cho ông bà cha mẹ và làm lễ cầu siêu, xá tội vong nhân, giúp họ được siêu thoát. Các món đem cúng thường có hương hoa, đèn, hoa, gạo, muối… Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng bằng các món ăn chay.
Lễ cúng chúng sinh thường có: bánh kẹo, khoai, oản, muối, gạo, chuối... Theo phong tục cổ truyền, mâm cỗ cúng này sẽ được đặt trước cửa nhà chùa, gia đình. Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn.
Ngoài ra, một món ăn đặc biệt thường gặp trong lễ xá tội vong nhân thường có món cháo loãng. Sở dĩ có món ăn này vì dân gian quan niệm, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường.
Theo Dân trí