Bắt đầu từ 14h ngày 18/7, công an các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Thanh Hóa thường trực 100% quân số; các phòng thuộc công an tỉnh thường trực 50% CBCS của đơn vị để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do bão gây ra. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lụt bão; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện ô tô, tàu xuồng; vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng chống và ứng cứu khi có bão lụt theo phương án điều động của công an tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
|
Tại huyện Quảng Xương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hóa Nguyễn Đình Xứng phê bình Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương không chấp hành yêu cầu của UBND tỉnh về hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác phòng chống bão mà vẫn tổ chức họp HĐND huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hóa Nguyễn Đình Xứng đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Quảng Xương. Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Quảng Xương và các xã có diện tích nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích thủy sản nuôi ở khu vực sát mép nước đã đến kỳ thu hoạch để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Tại huyện Tĩnh Gia từ sáng sớm đã có mưa lớn (thị trấn Tĩnh Gia 350 mm, hồ Khe Nhòi xã Trường Lâm 490 mm, hồ Quế Sơn xã Mai Lâm 450 mm), tổng bình quân lượng mưa toàn huyện đạt 397,5 mm). Hầu hết các hồ đập nhỏ trên địa bàn đã tràn. Mực nước dâng cao đã làm hơn 2.600 ha lúa, gần 2.570 ha cây trồng khác (ngô, vừng, đậu, rau màu, cà gai leo…) và 166 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ bị ngập. Toàn huyện có 14 khu dân cư với 410 ngôi nhà tại các xã Hải Bình, Hải Thượng, Mai Lâm, Hải Thanh, Hải Yến, Hải Hà bị ngập cục bộ.
|
Đồng chí Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương trên địa bàn huyện triển khai các bao tải cát để xử lý ngay nếu xảy ra sạt hoặc vỡ đê như đợt mưa lũ tháng 10 năm 2017 từng diễn ra ở đây.