19h tối qua, vị trí tâm bão Sơn Tinh ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 290km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết lúc 7 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 390km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Đến 10h ngày 18-7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.
Vị trí và đường đi của cơn bão số 3. |
Khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh; gió bão mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
Trên đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to trở lại và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).
Ngoài ra, từ hôm nay đến 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh được cảnh báo sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá) lên trên mức BĐ2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức BĐ1.
Nhiều tỉnh thành được cảnh báo có nguy cơ ngập lụt do mưa to. |
Vùng núi các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh được cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét.
Vùng trũng và đô thị ở các tỉnh sau cũng có nguy cơ ngập lụt: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Trước tình hình mưa, bão phức tạp có thể diễn ra, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đề nghị, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kiểm tra, tình toán lại kỹ và làm việc thống nhất với Tập đoàn điện lực Việt Nam, tùy theo diễn biến thực tế để hạ thấp mực nước hồ về cao trình đón lũ chính vụ.
Đối với hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung, cùng tư vấn cần tính toán ngay, sẵn sàng tham mưu cho Ban chỉ đạo khi cần thiết, vì hiện nay theo dự báo thì khu vực miền trung sẽ mưa rất to từ Nghệ An đến Hà Tình, hiện nhiều nơi đã có ngập lụt cục bộ trong đô thị.
Tổng hợp