Thế lưỡng nan của NATO

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Một nhà ngoại giao của nước chủ nhà Litva cho biết hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 giống như "cốc nước vẫn còn đầy một nửa", khi các đại biểu rời khỏi cuộc họp ngày 11-12 tháng 7 được tổ chức trong các khu rừng bên ngoài thành phố Vilnius đẹp như tranh vẽ.
Thế lưỡng nan của NATO

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay được tổ chức để thể hiện sự thống nhất của phương Tây, tăng cường quan hệ đối tác, đánh giá lại các vấn đề an ninh toàn cầu và nêu lên các vấn đề quan trọng. Sự kiện này thu hút sự có mặt của 40 nguyên thủ quốc gia, trong đó có 31 lãnh đạo các nước thành viên NATO.

Nếu các nhà sử học tương lai nhìn lại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, họ có thể nhớ đến sự kiện này vì một vấn đề đang bị lu mờ bởi những ưu tiên trước mắt như nỗ lực gia nhập của Ukraine và động thái bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ khi chấp thuận kết nạp Thụy Điển.

Hội nghị Vilnius đã cho thấy một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới xuất hiện về vai trò tương lai của liên minh NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Liên minh sắp chào đón thành viên thứ 32 này đã trải qua lịch sử 74 năm phát triển và giờ đây bị chia rẽ hơn bao giờ hết về ranh giới địa lý và ai là đối tác của họ.

Cuộc thảo luận tại Vilnius đã tập trung vào ý tưởng có vẻ vô thưởng vô phạt về việc mở một văn phòng NATO ở Tokyo. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp ngày 31/1 với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đề xuất một kế hoạch táo bạo để mở văn phòng đại diện đầu tiên tại châu Á sớm nhất vào năm 2024.

Tuy nhiên, ý tưởng về văn phòng đại diện Tokyo đã không được đưa ra trong thông cáo chung, sau khi Pháp và Đức nhận định rằng động thá có phần khiêu khích Trung Quốc không phải là một ý kiến hay.

Nhiều quốc gia thành viên tin rằng liên minh NATO cần có sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi họ đang chuẩn bị các thỏa thuận hợp tác với 4 quốc gia và gần đây đã bắt đầu đề cập đến Trung Quốc trong học thuyết chiến lược của mình.

Tuy nhiên, đối với một số người, "sứ mệnh mở rộng" này là một bước đi quá xa đối với một liên minh được thành lập vào năm 1949 "để ngăn Liên Xô đứng ngoài, ngăn người Mỹ bước vào và ngăn người Đức đi lên", như Tổng thư ký đầu tiên của NATO Hastings Ismay ví von.

Tình hình hiện tại ít rõ ràng hơn. Như một đại sứ ở Tokyo đã nói đùa khi đề cập đến công thức của Ismay: "Người Nga tham gia, người Mỹ muốn rút lui và ai biết được người Đức đang nghĩ gì?".

Vết nứt xuất hiện

Tình thế tiến thoái lưỡng nan về các cam kết của NATO ở châu Á xảy ra khi thành viên lớn nhất và mạnh nhất của liên minh - nước Mỹ, đang muốn quay trở lại chủ nghĩa biệt lập sau hơn 20 năm sa lầy tại Afghanistan và cạn kiệt tài nguyên ở Ukraine.

Giờ đây, khi Mỹ lần đầu tiên phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh ngang hàng trong nhiều thập kỷ là Trung Quốc, các đồng minh NATO muốn đảm bảo rằng Washington sẽ tiếp tục cam kết với an ninh của Bắc Đại Tây Dương. Và một số người nghĩ rằng tạo cho NATO một mở cửa sổ nhìn ra châu Á sẽ giúp Washington coi việc tiếp tục duy trì liên minh là lợi ích của mình.

Điều này được cho là đứng sau một quyết định vào năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump, lần đầu tiên Trung Quốc được đề cập đến trong một thông cáo thượng đỉnh NATO. Năm 2022, khái niệm chiến lược của NATO cảnh báo rằng Trung Quốc đặt ra "những thách thức mang tính hệ thống" đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Trước cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ, NATO có thể chịu nhiều áp lực hơn. Ông Trump, hiện là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, nhấn mạnh rằng Trung Quốc, chứ không phải Nga, là đối thủ chiến lược của Mỹ.

Các ứng cử viên tổng thống theo đường lối của Trump như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cũng được cho là sẽ khai thác chiến lược "Nước Mỹ trên hết" trong chính sách đối ngoại.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO 2023, bà Margarita Seselgyte, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Khoa học Chính trị tại Đại học Vilnius, phát biểu tại một hội nghị chuyên đề rằng nếu các thành viên NATO không nghiêm túc trong việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội, mức bắt buộc đối với các thành viên NATO, nó sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm.

“Nếu không, các vị sẽ phụ thuộc vào quốc gia chuẩn bị tổ chức bầu cử vào năm 2024, và chúng ta không chắc liệu Mỹ có sẵn sàng đầu tư vào an ninh châu Âu ở mức độ mà họ đã đầu tư cho đến nay hay không", bà Seselgyte chỉ ra.

Một quan chức quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản cho rằng những nỗ lực của NATO để can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng an ninh châu Âu có liên quan đến an ninh châu Á, "thực sự nhằm giữ cho Mỹ can dự vào châu Âu. Các thành viên châu Âu của NATO không muốn Mỹ xoay trục hoàn toàn sang châu Á”.

Một điểm nổi bật của hội nghị thượng đỉnh Vilnius là việc công bố báo cáo tiến độ về 4 tài liệu hợp tác mới với từng đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Mặc dù mức độ hợp tác chưa hình thành một khung an ninh tập thể, nhưng việc gia tăng các cuộc tập trận và tích hợp thiết bị quốc phòng nhằm khiến các đối thủ như Trung Quốc đoán rằng có thể có nhiều thứ hơn là chỉ hợp tác kinh tế giữa NATO và các đối tác.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố Chương trình hợp tác phù hợp với từng cá nhân (ITPP) với Tổng thư ký NATO Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh. ITPP nêu chi tiết 16 lĩnh vực hợp tác, bao gồm sơ tán khẩn cấp, phòng thủ mạng, liên lạc chiến lược, công nghệ mới nổi và đột phá, an ninh không gian, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và kiểm soát vũ khí.

Ông Stoltenberg cũng chào đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại hội nghị thượng đỉnh, nói rằng: "Điều gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là vấn đề đối với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu là vấn đề đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Về phần mình, Tổng thống Yoon trả lời rằng ông muốn thúc đẩy hợp tác với NATO. Về ITPP của Hàn Quốc, ông Yoon hứa sẽ tăng cường chia sẻ thông tin quân sự với NATO. Australia đã hoàn thiện ITPP vào đầu năm nay, trong khi New Zealand vẫn đang đàm phán về nội dung chương trình này.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid, ông Stoltenberg đã đi đầu trong việc thông qua Khái niệm Chiến lược NATO 2022, trong đó mô tả các phương châm của liên minh trong thập kỷ tới, coi Trung Quốc là một thách thức mang tính hệ thống.

Nhưng một năm sau, những vết nứt bắt đầu xuất hiện. Những rạn nứt đó bắt nguồn từ sự khác biệt giữa các đồng minh về cách đối phó với Trung Quốc, cũng như những lo ngại của Tổng thống Mỹ Joe Biden về tình hình chính trị trong nước. Ông Biden hiện không muốn Ukraine gia nhập NATO, điều này sẽ khiến liên minh này có chiến tranh với Nga, vốn sẽ trở thành đề tài hấp dẫn dành cho ông Trump.

Cuộc tranh luận về ý tưởng mở văn phòng tại Tokyo là hình ảnh thu nhỏ của cuộc đổi chác giữa các thành viên quyền lực, nhưng cũng là tình thế tiến thoái lưỡng nan mới đối với NATO về các cam kết và quan hệ đối tác của tổ chức này kéo dài bao xa.

Thay đổi vào phút chót

Tại cuộc họp ngày 31/1 ở Tokyo, Thủ tướng Kishida nói với Tổng thư ký NATO Stoltenberg về kế hoạch bổ nhiệm một đại sứ mới của Nhật Bản tại NATO, tách biệt với đại sứ tại Bỉ, người cho đến lúc đó đã kiêm nhiệm hai vai trò này.

Đáp lại, ông Stoltenberg đề xuất mở một văn phòng liên lạc ở Tokyo để phối hợp với 4 đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của NATO là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Cả NATO và Nhật Bản đều đang triển khai các động thái để củng cố mối quan hệ.

Vào ngày 8/6, khoảng một tháng trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius, đại sứ từ các nước NATO ở Tokyo đã được mời đến đại sứ quán Đan Mạch tại Tokyo. Nằm đối diện khu phức hợp hiệu Daikanyama T-Site, đại sứ quán Đan Mạch đóng vai trò là văn phòng "điểm liên lạc" của NATO tại Nhật Bản.

Hai ngày trước đó, tờ Financial Times đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản đối việc mở văn phòng NATO tại Tokyo vì ông tin rằng liên minh này nên tiếp tục tập trung vào khu vực Bắc Đại Tây Dương của chính mình.

Cuộc họp của Đại sứ quán Đan Mạch là một nỗ lực để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự phản đối của Pháp và để xem liệu có thành viên nào khác không hưởng ứng kế hoạch này hay không.

Những người tham dự cuộc họp đã không được nghe lập trường của Pháp vì sự vắng mặt của đại sứ Philippe Setton.

“Chúng ta phải tránh tạo ra sự hiểu lầm về cam kết của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn không phải là khu vực địa lý thuộc thẩm quyền của NATO, và do đó tránh gửi thông điệp sai đến Trung Quốc và các đối tác ở châu Á, những người không muốn đứng về phía nào", đại sứ Setton trả lời báo giới Nhật Bản sau đó.

Cho đến tháng 6, việc đề cập đến văn phòng Tokyo vẫn còn trong dự thảo của thông cáo chung Vilnius. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết ý tưởng về văn phòng Tokyo đã bị loại khỏi dự thảo thông cáo trong vòng đàm phán cuối cùng trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào đầu tháng 7.

"Pháp đã tìm thấy đồng minh", một nhà ngoại giao nói về việc Đức tham gia phản đối văn phòng Tokyo.

Đằng sau cánh cửa đóng kín

Sự phản đối của Pháp đối với văn phòng Tokyo diễn ra sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Macron, nơi ông được chào đón trên thảm đỏ. Trong một cuộc phỏng vấn với Les Echos và Politico trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Pháp nói: "Câu hỏi mà người châu Âu cần trả lời là: chúng ta có lợi ích gì khi đẩy nhanh vấn đề Đài Loan không? Không. Điều tồi tệ nhất là nghĩ rằng người châu Âu chúng ta phải chạy theo chủ đề này và lấy gợi ý từ chương trình nghị sự của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc".

"Người châu Âu phải thức tỉnh", ông Macron nói. "Ưu tiên của chúng tôi không phải là thích ứng với chương trình nghị sự của những nước khác ở tất cả các khu vực trên thế giới".

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các cuộc tham vấn tại văn phòng NATO ở Tokyo đang được tiến hành ở cấp quan chức, bao gồm cả với Pháp, nhưng bản thân ông Macron đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch này.

Khi được hỏi về việc Pháp phản đối việc đặt văn phòng NATO tại Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại Paris ngày 6/7 nói với các nhà báo: "Như các bạn đã biết, đã có các đại sứ quán chịu trách nhiệm về quan hệ giữa NATO và Nhật Bản, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, và đó là chủ đề thảo luận với các đối tác và đồng minh của chúng tôi".

Một nhà ngoại giao Nhật Bản khác đã giải thích về sự thất vọng mà chính quyền Tokyo cảm thấy đối với Paris. "Họ không bao giờ chia sẻ kết quả của các cuộc họp cấp cao với các thành viên G7. Ví dụ, Nhật Bản nói với Pháp về các cuộc gặp với Trung Quốc, cả trước và sau khi nó diễn ra. Bởi vì người Pháp không làm điều này, mọi người nghi ngờ về những gì người Pháp thảo luận đằng sau cánh cửa đóng kín".

Trước thềm hội nghị Vilnius, phía Nhật Bản đã ngừng thúc đẩy ý tuởng văn phòng liên lạc. Điều này là do Mỹ bắt đầu có những động thái "rã băng" quan hệ với Trung Quốc

Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên về khí hậu John Kerry đã thực hiện ba chuyến thăm liên tiếp trong vòng một tháng, với nhiều chuyến thăm cấp nội các dự kiến sẽ diễn ra.

Ken Jimbo, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Keio (Nhật Bản), cho biết: “Mỹ có thể nhìn thấy cơ hội với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 1 ở Đài Loan. Người ta tin rằng cho đến thời điểm đó, Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì quyết liệt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc bầu cử".

Đài Loan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào ngày 13/1. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn của Đảng Tiến bộ Dân chủ, người đã lên nắm quyền từ năm 2016, không đủ điều kiện để tái tranh cử. Trung Quốc hy vọng Quốc Dân Đảng sẽ trở lại cầm quyền và có đường lối xích lại gần hơn với đại lục.

Sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, chính nước Mỹ bước vào mùa bầu cử, với các ứng cử viên từ hai đảng lớn dự kiến sẽ cạnh tranh xem ai có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc, cùng nhiều vấn đề khác. Cánh cửa ngoại giao giữa hai nước dự kiến sẽ đóng lại sau đó.

Vào ngày 7/7, một quan chức của tổng thống Pháp nói với các phóng viên rằng "theo các liên hệ của chúng tôi từ chính phủ Nhật Bản, Nhật Bản không quan tâm đến việc thành lập văn phòng NATO".

Dù bằng cách nào, cuộc bầu cử hậu Đài Loan có vẻ là một thời điểm đầy thách thức đối với NATO.

“Nếu Quốc Dân Đảng không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đài Loan, phản ứng tức giận của Trung Quốc có thể nghiêm trọng đến mức một văn phòng liên lạc sẽ không thành vấn đề với bất kỳ ai”, một nhà ngoại giao châu Âu nhận định.

Việc chính quyền Biden tiếp cận Trung Quốc ngày nay có thể là một nỗ lực nhằm khởi động các lĩnh vực hợp tác để một kịch bản như vậy không xảy ra.

Hội nghị thượng đỉnh năm tới tại Washington có thể sẽ là một sự kiện quan trọng, nơi một tổng thư ký mới sẽ thay thế ông Stoltenberg. Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024, diễn từ ngày 9 đến ngày 11/7, được tổ chức vào thời điểm "nóng nực" của mùa bầu cử tổng thống Mỹ, chỉ 6 ngày trước Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, bang Wisconsin.

Hội nghị này dự kiến sẽ tiết lộ quan điểm trong nước của Mỹ về việc liệu nước này có tiếp tục đứng về phía liên minh NATO.

Ông Kenneth Weinstein, chuyên gia tại Viện Hudson ở Washington, cho biết: “Người Mỹ chắc chắn đã trở nên thất vọng trước chính sách đối ngoại quá tham vọng của chính phủ ở Trung Đông, vốn tìm cách biến đổi khu vực theo những cách không thể. Cuộc tranh luận đó vẫn còn lờ mờ về nhận thức của người Mỹ đối với NATO".

Theo Nikkei Asia
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.