Danh họa Peter Paul Rubens đã vẽ bức "Samson và Delilah" cho người bảo trợ của ông là Ngài Nicolaas Rockox, thị trưởng Antwerp, nhưng bức tranh đã biến mất sau khi Rubens qua đời vào năm 1640. Sau đó, "Samson và Delilah" quay trở lại với công chúng vào năm 1929, với sự chứng nhận của Ludwig Bruchard, một chuyên gia về tranh Rubens.
Những nghi ngờ về tính xác thực của tác phẩm lần đầu xuất hiện vào năm 1960, sau khi Bruchard qua đời, và người ta tiết lộ rằng ông đã cung cấp giấy chứng nhận tính xác thực để đổi lấy tiền. Hơn 60 tác phẩm của Rubens đã được xác thực bởi Bruchard kể từ đó đã được xác định là hàng giả, bao gồm hai phiên bản của bức "Diana and Her Nymphs Departing for the Hunt" (Diana và các tiên nữ lên đường đi săn), được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland ở Ohio và Bảo tàng J. Paul Getty ở Los Angeles.
Năm 1980, Phòng trưng bày Quốc gia London đã mua tác phẩm "Samson và Delilah" với giá kỷ lục lúc bấy giờ là 2,5 triệu bảng Anh từ Nhà đấu giá Christie's.
Theo tờ Art News, nghệ sĩ, nhà văn và học giả độc lập người Hy Lạp Euphrosyne Doxiadis đã tuyên bố rằng bức tranh tại Phòng trưng bày Quốc gia London có chi tiết khác với các nghiên cứu về bức "Samson và Delilah" mà thị trưởng Nicolaas Rockox sở hữu, ví dụ như bàn chân của Samson được cắt trong bức tranh tại Phòng trưng bày, nhưng được thể hiện trong các nghiên cứu và ghi chép khác.
Phát hiện gần đây sử dụng công nghệ AI chỉ là một đòn tấn công khác nhằm củng cố những nghi ngờ trước đó. Sử dụng cơ sở dữ liệu về các bức tranh Rubens giả và thật, hệ thống Art Recognition đã xác định các chi tiết nhỏ trong 148 tác phẩm Rubens đích thực, phân tích "Samson và Delilah" của Phòng trưng bày Quốc gia bằng cách đưa hình ảnh bức tranh canvas vào hệ thống lưới ô vuông và tìm kiếm các dấu hiệu sai lệch so với phong cách vẽ của Rubens.
Carina Popovici, nhà khoa học đầu ngành về phân tích AI, chia sẻ: “Chúng tôi đã lặp lại các thí nghiệm để thực sự chắc chắn rằng chúng tôi không mắc sai lầm và kết quả luôn giống nhau”. Ông cũng khẳng định hệ thống AI có khả năng đưa ra kết quả chính xác ngay cả đối với những họa sĩ thay đổi nhiều phong cách trong sự nghiệp.
Qua đó, kết quả AI đem lại cho thấy bức họa tại Phòng trưng bày Quốc gia chỉ là bản sao. Nhà sử học nghệ thuật, tiến sĩ Katarzyna Krzyżagórska-Pisarek cũng nhận định rằng phương pháp kiểm nghiệm bằng AI "có tiềm năng đột phá", bởi chúng không phụ thuộc vào sự chủ quan của con người, "không có cảm xúc hay quan tâm đến lợi ích thương mại", có tính khách quan và chính xác về mặt khoa học.
Trong một email gửi tới ARTnews, Phòng trưng bày Quốc gia cho biết: “Phòng trưng bày luôn ghi nhận những nghiên cứu mới. Chúng tôi chờ đợi báo cáo hoàn chỉnh, để mọi bằng chứng có thể được đánh giá một cách thích hợp. Cho đến lúc đó, chúng tôi không có gì để bình luận thêm."