Theo CNN, nghiên cứu của Trung tâm Não đồ của Đại học California Los Angeles (Mỹ), công bố trên tạp chí Pediatrics, cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên nữ mắc trầm cảm đang tăng mạnh.
Ðây là bệnh lý của não bộ không phải cảm giác buồn bã hay chán nản, thất vọng thông thường thoáng chốc mà ai cũng có thể trải qua trong cuộc sống.
Trầm cảm là bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ cư xử và sức khỏe bệnh nhân. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tự tử.
Mark Olfson, Giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, cho biết nghiên cứu này được thực hiện với trẻ từ 12 đên 18 tuổi.
Nghiên cứu mới bao gồm dữ liệu về giai đoạn mắc và điều trị trầm cảm, từ năm 2005 đến 2014 ở 172.495 thanh thiếu niên, người trưởng thành trên khắp nước Mỹ.
Kết quả chỉ ra rằng giai đoạn từ 12 đến 17 tuổi, thiếu niên dễ mắc chứng trầm cảm. Tỷ lệ bệnh này ở nữ đạt khoảng 13% năm 2005 và tăng lên 17% năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nam chỉ 4% năm 2005 và 6% năm 2014.
“Mạng trực tuyến đóng vai trò không nhỏ khiến bệnh trầm cảm gia tăng. Những điều tiêu cực từ việc nhắn tin diễn ra chủ yếu với nữ hơn nam. Đây có thể là lý do dẫn đến tâm trạng buồn bã ở các nữ sinh”, Giáo sư Olfson nói.
Hành vi quấy rối từ mạng trực tuyến được xem là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Ảnh: Stacey Ulacia. |
Ngoài ra, các nữ sinh thường trải qua nhiều căng thẳng giữa các cá nhân hơn nam giới. Chẳng hạn như xung đột với gia đình hoặc bạn bè. Điều này khiến các nữ sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng mặc dù tỷ lệ trầm cảm tăng cao ở trẻ vị thành niên, nhưng phần lớn người có vấn đề tâm lý không được điều trị. Căn bệnh này đòi hỏi phải có sự quan tâm và phương pháp chăm sóc đặc biệt.
Để biết mình hoặc người thân có các dấu hiệu trầm cảm hay không, bạn có thể kiểm tra, trong hai tuần liên tiếp, triệu chứng nào dưới đây thường xuyên xuất hiện:
1. Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều
2. Cảm giác mệt mỏi, mất sinh lực, uể oải
3. Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều
4. Mất hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc, giải trí
5. Cảm giác buồn bã, bực bội, khó chịu
6. Ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, hoặc tự buộc tội bản thân
7. Khó khăn khi tập trung vào một việc, chẳng hạn như tập trung đọc báo, xem ti vi
8. Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng nhiều hơn bình thường, hoặc bạn nói, cử động chậm chạp hơn bình thường
9. Trong hai tuần lễ đó, bạn đã từng có ý nghĩ chán sống, muốn chết hoặc muốn tự gây thương tích cho mình không
10. Thường xuyên lo lắng về rối loạn trong cơ thể mình không (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, đổ mồ hôi)?
Nếu có từ 5 triệu chứng trở lên, bạn nên đến gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời.