Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 37 điểm cầu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.
Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành. Những yếu tố quyết định này là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên - khi chúng ta có những yếu tố này, những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời, hiệu quả hơn.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc, việc thích ứng linh hoạt, an toàn, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp. Để thích ứng linh hoạt một cách hiệu quả, trước tiên chúng ta cần phải có niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.
Cách đây hơn nửa năm, vào tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Khi đó, hai bên đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành trên cơ sở niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành từ cả hai phía; từ đó thống nhất các giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục hợp tác hiệu quả và đang tiếp tục thành công.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, các cơ quan đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung nêu rõ vấn đề, đề xuất kiến nghị cụ thể với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở, trách nhiệm trên nguyên tắc “khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào, cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành; với tinh thần, xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải nghiêm túc, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay, các bộ, ngành, địa phương phải có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Thủ tướng cho biết ngay sau Hội nghị sẽ ban hành một văn bản phù hợp để thống nhất triển khai thực hiện, thích ứng tình hình, khả thi, hiệu quả trên nguyên tắc bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa lợi ích. “Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/4/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Riêng năm 2023, tính đến ngày 20/04, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022.
Đây là những kết quả đạt được trong bối cảnh tình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.
Theo chương trình, tại Hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam; đồng thời có các đề xuất, kiến nghị để phát triển nhanh, bền vững.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp thu giải, đáp những băn khoăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý; một số địa phương chia sẻ về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có kết luận cuối cùng.