Mới đây, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Nano của Đức đã thử nghiệm một cách thức mới để điều trị ung thư ở các bệnh nhân nữ. Vật liệu chính được sử dụng trong phương pháp này chính là tinh trùng - được cho là một công cụ hiệu quả để chuyên chở và phân phối thuốc điều trị ung thư và các bệnh khác ở hệ thống sinh sản của nữ
Dùng tinh trùng "chở" thuốc vào cơ thể phụ nữ
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã ngâm tinh trùng vào dung dịch thuốc rồi phủ lên đó một lớp “mũ” nanometric sắt. Đồng thời họ cũng gắn nam châm vào đó để điều khiển tinh trùng đi đúng hướng đến khối u cần tiêu diệt. Khi tiếp cận được khối u, lớp nanometric sắt sẽ tự động mở ra để nhanh chóng giải phóng thuốc.
Thực tế, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ý tưởng trên với tinh trùng bò, có kích thước tương tự tinh trùng của người. Kết quả, 15 trong số 22 tế bào tinh trùng mang thuốc được thử nghiệm đã có thể giải phóng thành công loại thuốc mà chúng mang theo.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp này hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư trong vòng 48 tiếng đầu tiên so với cách dùng thuốc truyền thống với cùng liều lượng. Tuy nhiên, hiện các nhà nghiên cứu chưa dám dùng phương pháp này trên người.
Thông tin về thử nghiệm phương pháp điều trị ung thư mới này khiến nhiều người quan tâm và kỳ vọng.
Chuyên gia nói gì?
PGS.TS Bùi Công Toàn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), cho rằng phương pháp sử dụng tinh trùng để đưa thuốc vào tiêu diệt khối u qua con đường âm đạo của phụ nữ cho dù đem lại kết quả khả thi nhưng đấy mới chỉ là thử nghiệm bước đầu trong phòng thí nghiệm, chưa có kiểm nghiệm lâm sàng trên người, nên chúng ta không nên quá kỳ vọng.
“Tôi cho rằng phương pháp chỉ là mang tính lý thuyết, chưa mang tính thực hành. Thực hành trong y học nhất thiết phải qua 3 bước: thí nghiệm trên súc vật, tiếp đến là trên nhóm người tự nguyện, cuối cùng mới mang đến từng thực địa, từng dân tộc xem có thành công hay không rồi mới trở thành phương pháp điều trị chính thức. Riêng phương pháp thử nghiệm tinh trùng này đơn thuần chỉ mới dừng ở trong phòng thí nghiệm. Hướng đi tiếp theo của nó có thể không thành công”, PGS Toàn cho hay.
PGS Toàn cũng nhận định phương pháp dùng tinh trùng đã được nhuộm thuốc nhắm đích đến tế bào ung thư thực chất không mới. Trong điều trị ung thư, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị trúng đích (đích là tế bào ung thư). Theo đó, người ta tìm sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào lành, đưa thuốc điều trị thẳng vào tế bào ung thư bằng cách đưa những kháng thể chỉ nhận tế bào ung thư, hoặc có những tế bào được nhuộm nano nhận ra tế bào ung thư.
Năm 2050, ung thư có thể được chữa khỏi
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ mắc ung thư đang có xu hướng gia tăng. Thế giới có khoảng 32,6 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, mỗi năm có 14,1 triệu ca mới mắc, 8,2 triệu người tử vong. Ước tính tới năm 2030, thế giới sẽ có 21,4 triệu trường hợp mới; 13, 3 triệu người chết vì ung thư mỗi năm.
Mỗi năm, Việt Nam có 126.000 người mới mắc ung thư, 94.000 ca tử vong. Ước tính năm 2020, số ca mắc mới sẽ tăng lên khoảng 189.344 bệnh nhân.
Tổng gánh nặng trực tiếp chỉ tính riêng 6 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày) là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP (năm 2012).
Đáng lo ngại, nhiều người đều cho rằng mắc ung thư là mang án tử. Tuy nhiên, PGS Toàn cho rằng người dân có thể kỳ vọng vào y học hiện đại.
"Năm 2050, ung thư sẽ trở thành bệnh mạn tính, có thể điều trị như các bệnh thông thường khác. Thế giới đang rất kỳ vọng vào thời điểm đó”, PGS Toàn thông tin.