Theo Ban tổ chức, lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật được tổ chức vào 20 giờ ngày 28/4. Trong khuôn khổ Fesstival sẽ có các hoạt động chính hấp dẫn như: Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian ẩm thực; Lễ hội ẩm thực chủ đề "Tinh hoa nghề Bún"; Lễ hội quảng diễn đường phố; Lễ hội tri ân dòng Hương; Lễ tế tổ bách nghệ - lễ rước tôn vinh nghề; chương trình nghệ thuật "Giai điệu trẻ"…
Không gian chính diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023 là hai bờ sông Hương, kết nối với các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố.
Lễ hội năm nay có sự tham gia của khoảng 400 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, bàn tay vàng đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước. Ngoài ra, tại Festival còn có 37 nghệ nhân đến từ 6 thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với thành phố Huế và đặc biệt có sự tham gia của các đoàn biểu diễn nghệ thuật cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn K-Pop, biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát diễn xướng (Hàn Quốc).
Du khách đến với Festival nghề truyền thống Huế 2023 có cơ hội tìm hiểu các nhóm nghề như: dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; làm bánh Tét, bánh Chưng, mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghè rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ…
Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật cho biết, Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ được tổ chức quy mô, chất lượng với nhiều điểm mới mang tầm cỡ quốc gia và mang yếu tố quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thương hiệu Cố đô Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời, thông qua Lễ hội sẽ góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước.