Tiềm năng to lớn của mô hình du lịch inbound tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau một thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19, du lịch inbound đang trở lại và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch nói riêng và cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung.
Du lịch inbound hứa hẹn sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Du lịch inbound hứa hẹn sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Du lịch inbound là thuật ngữ được sử dụng để chỉ khách du lịch nước ngoài hoặc kiều bào đến những đất nước khác du lịch hoặc lưu trú trong thời gian ngắn. Ví dụ, nếu một người từ Hàn Quốc tới Việt Nam du lịch, đó được coi là du lịch inbound với Việt Nam.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch inbound

Dải đất hình chữ S sở hữu một diện mạo đa dạng, từ các thành phố sôi động như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đến các thành phố cổ như Huế và Hội An, cùng với những vùng nông thôn yên bình và vùng biển tuyệt đẹp như Vịnh Hạ Long, Phú Quốc.

Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và tự nhiên được UNESCO công nhận, như Phong Nha-Kẻ Bàng, Huế, Hội An, và Khu di tích Mỹ Sơn. Những địa điểm này thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế muốn khám phá về lịch sử và văn hóa của Việt Nam.

Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng với những món ăn đa dạng, tươi ngon và đậm đà hương vị. Phở, bánh mì, nem, bún chả và các món hải sản độc đáo đã trở thành những biểu tượng ẩm thực của nước ta.

Việt Nam vẫn được coi là một điểm đến du lịch có chi phí phải chăng so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chỗ ở, ẩm thực và hoạt động giải trí ở Việt Nam có mức giá hợp lý, khiến nước ta trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho du khách quốc tế có ngân sách hạn chế.

Nhờ những lợi thế trên, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch inbound và thu hút du khách quốc tế đến khám phá đất nước đa sắc màu này.

Những con số biết nói

Du lịch Việt Nam trong năm 2023 đã gặt hái được nhiều thành tựu. Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều con số ấn tượng, giúp nâng cao hình ảnh, năng lực cạnh tranh và địa vị của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiềm năng to lớn của mô hình du lịch inbound tại Việt Nam ảnh 1

Thống kê khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2023. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Con số này bằng 70% lượng khách quốc tế của năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19, cho thấy du lịch đang trên đà phát triển trở lại.

Châu Á là khu vực đóng góp lượng khách lớn nhất tới Việt Nam với hơn 9,78 triệu người, gấp 3,8 lần năm trước. Khách đến từ châu Âu đạt 1,459 triệu người, gấp 2,9 lần năm ngoái. Khách đến từ châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; khách đến từ châu Đại dương đạt 428,1 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần; khách đến từ châu Phi đạt 30,1 nghìn lượt người, gấp 2,6 lần.

Bước sang năm 2024, liên tục trong hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đều đạt hơn 1,5 triệu lượt khách/tháng, xấp xỉ với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm mới, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Tính đến nay, 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.

Tiềm năng to lớn của mô hình du lịch inbound tại Việt Nam ảnh 2
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 phân theo vùng lãnh thổ. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Kết quả tích cực đạt được từ những tháng cuối năm 2023 đến nay cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như từ sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành.

Tạo đà cho du lịch inbound “tăng tốc”

Từ ngày 15/8/2023, chính sách mới về thị thực cho khách quốc tế đã được thông qua, giúp ngành du lịch Việt Nam mở ra nhiều cơ hội mới thu hút thị trường inbound.

Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour, ông Trần Thế Dũng chia sẻ: "Chúng tôi xây dựng thêm các chương trình mới, các tour du lịch liên tuyến cả Việt Nam, Lào, Campuchia thành các chương trình tour liên tuyến ba nước Đông Dương để phục vụ du khách. Chúng tôi kỳ vọng với sự thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tiến độ phục hồi khách quốc tế, inbound."

Bên cạnh đó, tại Tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” ngày 12/3, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, khẳng định ngành du lịch thời gian qua đã nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn bao giờ hết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản phẩm mới”", ông Khánh cho biết.

Tiềm năng to lớn của mô hình du lịch inbound tại Việt Nam ảnh 3

Việt Nam là điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Hàn Quốc. Ảnh: Diễn viên Jung Il Woo

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia cũng chỉ rõ, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung vào phương châm mà Nghị quyết 82 của Chính phủ đã đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” để nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Khánh nhấn mạnh: “Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.”

Du lịch inbound đang hồi sau đầy hứa hẹn từ sau đại dịch COVID-19. Với các tiềm năng đặc biệt, sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, ngành du lịch inbound của Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).