Trong 10 năm qua, điện ảnh Trung Quốc có hai bộ phim với tôi ấn tượng nhất. Một là “Caught in the web” của Trần Khải Ca (hình như tên tiếng Việt là “Tìm kiếm”) và hai là “Giấc mơ Mỹ” (tên khác là “New York New York...”) của đạo diễn Lạc Đông.
Với tôi, ấn tượng vì nó chia sẻ những thực tế xã hội của những thân phận người ở Trung Quốc thời hiện đại trong cuộc chạy đua thường không có đích đến: Kiếm tiền, mua xe, sở hữu nhà và có visa Mỹ/Canada hoặc Australia.
“Tìm kiếm” đan xen nhiều câu chuyện nhưng câu chuyện mở đầu là hay nhất. Đó là một cô gái xinh đẹp hiện đại từ chối nhường ghế xe buýt cho một ông lão, cô còn có vài lời nói khiếm nhã. Chẳng may cho cô, trên xe lúc đó có một cô phóng viên tập sự ghi lại cảnh này. Video nhanh chóng trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội Trung Quốc, cô gái nhân vật chính trở thành tâm điểm hứng đá của dư luận.
Đằng sau những phản ứng bốc đồng của cô gái là cả một câu chuyện dài, bi đát. Cô là kết quả của một cuộc hôn nhân tan vỡ, phải tự lập từ sớm, không gặp cha, không thân với mẹ. Cô là một nhân viên gương mẫu và nhân hậu. Cô cũng vừa phát hiện ra mình bị ung thư. Rời phòng khám, cầm tờ chẩn bệnh định mệnh và bước lên chuyến xe buýt cũng định mệnh trên để đến công ty. Tuy nhiên, những chia sẻ của cô cũng như lời xin lỗi trong tiếng nấc không được truyền thông phát đi vì bọn họ cần view, cần gạch đá, cần quảng bá trang web để thu thêm quảng cáo.
Trong những ngày cuối trốn chạy định mệnh đó, cô gái đã gặp được tình yêu của đời mình. Nhưng cuối cùng, cô chọn kết cục là gieo mình từ tầng cao bệnh viện xuống. Cô muốn tự mình quyết định số mệnh bản thân mình, cô từ chối chữa bệnh ung thư. Một cái chết đầy đau đớn nhưng cũng đầy duy mỹ.
Bài hát trong phim cũng rất xuất sắc - “nếu như có thể” với những lời “nếu như có thể, bồi đắp những tổn thương trong mắt em, anh nguyện mình đánh đổi tất cả”.
“New York New York...” lại khai thác một chủ đề khác. Đó là những thanh niên thuộc tầng lớp thấp ở Trung Quốc đến những siêu đô thị, cũng là những cỗ xay thân phận khổng lồ. Họ khát khao được đổi đời, được yêu, được khẳng định cũng như nỗi ám ảnh giấc mơ Mỹ đeo đuổi. Tên của nhân vật cũng rất điển hình. Nam chính tên “lộ đồ” (con đường), nữ chính là “ngọc quyên” (cô gái đẹp).
Họ đến được New York theo những ngã rẽ khác nhau. Tất cả vụn vỡ, cả tuổi trẻ và giấc mơ, và tình yêu nữa. Lời nhân vật nam chính đầy đau đớn “có lẽ anh không tiễn em đi New York, nhưng khi em trở về, anh nhất định sẽ tới đón”. Tôi có đọc ở đâu đó, “khi bạn yêu một người, hãy đưa họ đến New York, khi bạn muốn chia tay một người, bạn cũng hãy đưa họ đến New York”.
Nam chính trở về trong một chiếc hộp bọc nhung đen mà cô gái cầm trên tay. Đó là tro cốt của anh ấy. Lộ Đồ bị bắn chết khi người yêu đẩy chàng đi, khoá trái cánh cửa lại, tách biệt hai thế giới đầy tiếc nuối. Tuyết phủ trên gương mặt của chàng trai đầy đau đớn trong cảnh quay với gam màu tối rồi máy quay đưa lên cao trong khoảng không cũng tối sẫm như giếng trời bên thềm nhà hát Broadway.
Đôi khi giấc mơ kết thúc không như cách nhiều người nghĩ khi bắt đầu.