Em mệt mỏi quá, bạn tôi kết luận.
Anh đang đứng giữa ngã ba đường: Tiếp tục chịu đựng để có thu nhập cao hòng lo cho gia đình. Hay chuyển đến một công ty khác, lương thấp hơn nhưng rảnh rang hơn.
Thật là một lựa chọn khó. Bạn tôi đã gần 50 tuổi, cơ hội kiếm tiền bằng việc bán sức lao động không còn nhiều. Mức lương công ty hiện tại là đáng mơ ước, nếu không muốn nói là cao nhất trong số các đơn vị cùng ngành nghề.
Nhưng gia đình quan trọng hơn em ạ. Em đừng để con lớn lên mà không có mình bên cạnh.
Tôi chỉ nói vậy vì biết bạn tôi có hai đứa con đang tuổi dậy thì hoặc ngấp nghé. Lứa tuổi mà tâm sinh lý phức tạp. Lứa tuổi đơn độc trước sự đổi mới chóng mặt của xã hội, cô đơn trong cuộc sống, cô đơn trên mạng...
Đầu tuần này, anh bạn báo tin đã nghỉ việc. Hôm nay là ngày đầu tiên em đón con anh ạ.
Anh bạn nhắn tin kèm theo một bức ảnh cổng một ngôi trường học. Với nhiều người, việc đón con có khi là gánh nặng, là sự đùn đẩy vợ chồng. Nhưng bạn tôi, sau nhiều năm chỉ gặp con lúc nửa đêm thì việc đón con có lẽ là một hạnh phúc.
Nói như vậy để thấy, nếu có ai đồng hành với bọn trẻ cả khi vui khi buồn thì chỉ có bố mẹ mà thôi. Thầy cô, vốn bận rộn với hơn vài chục đứa trẻ khác cùng nhiều thứ nghĩa vụ, sổ sách ở trường. Họ cũng có gia đình. Nên với mỗi học sinh, khó có thể đòi hỏi thầy cô sự hy sinh nào đó quá mức.
Rộng hơn, trường học đang tự biến thành cơ quan hành chính mà hiệu trưởng là thủ trưởng và thầy cô là nhân viên mà nhiệm vụ chính là giữ gìn một bộ quy tắc nhằng nhịt không kém bất cứ loại thủ tục hành chính nào khác đang dán tại bảng thông báo cơ quan công quyền. Thế nên việc ông hiệu trưởng trả lời ráo hoảnh rằng việc chuyển lớp không thể thực hiện được ngay vì lý do quy định này kia là có thể hiểu được.
Khi hiệu trưởng chuyển hoá thành chức vụ hành chính thay vì thầy giáo, cô chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ như một chức việc trong bộ máy thì những tâm tư của bọn trẻ tuổi ương ương không quan trọng bằng việc mở cổng trường cho thầy hiệu trưởng đi ăn sáng về hay việc bắt học trò cởi quần áo để tìm thuốc lá điện tử...
Chúng ta có thể đổ lỗi cho ông hiệu trưởng vì chỉ nhăm nhăm làm theo quy định. Chúng ta có thể lên mạng trách mắng cô chủ nhiệm vô cảm khi học sinh xin mẫu đơn chuyển lớp thì không nắm bắt được lý do em muốn chuyển sang lớp khác vì “nữ sinh này không nói”. Nhưng sau đó là gì?
Trong một đơn vị sự nghiệp công lập mang tên nhà trường nhan nhản quy định mà thiếu sự quan tâm, vắng đi cảm xúc thì trách nhiệm của cha mẹ lại càng lớn hơn.
Nếu cha mẹ cô bé trường chuyên ở Vinh sâu sát hơn với cuộc sống của con gái. Nếu gia đình quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong việc chuyển lớp hay thậm chí cho con chuyển trường nếu nhà trường không cho con chuyển lớp.
Cuộc sống không xây bằng những từ ”Nếu”. Thầy hiệu trưởng trường chuyên sẽ kiểm điểm sâu sắc. Cô chủ nhiệm chân thành chia buồn. Mạng xã hội ồn ào. Chỉ nỗi buồn mất con sẽ còn mãi với gia đình.
Vậy nên, con mình thì mình quan tâm, bảo vệ thôi.