PTT Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng người dân
Chiều tối 18/11, làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra tình hình ứng phó bão số 14, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh này nghiêm túc rút kinh nghiệm triệt để trong ứng phó bão số 12 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Qua đó, quyết liệt triển khai đồng loạt các biện pháp ứng phó bão số 12 để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, báo Pháp luật TP HCM đưa tin.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân Khánh Hòa. Ảnh: PLO |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng người dân trước sự nguy hiểm của cơn bão. Do đó, tỉnh Khánh Hòa phải kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi các khu vực lồng bè nuôi thủy sản, nếu ai không đi thì phải tiến hành cưỡng chế sơ tán.
Chính quyền các địa phương khẩn cấp huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, triển khai các biện pháp bảo vệ các công trình. Tại các địa điểm sơ tán dân, phải bố trí đầy đủ lương thực, nước uống, chỗ ở đảm bảo an toàn cho người dân.
Tỉnh khẩn trương rà soát tàu thuyền còn ngoài khơi; kêu gọi, hướng dẫn ngư dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Tổ chức lực lượng hướng dẫn ngư dân chằng chống an toàn tại các khu vực nơi neo đậu. Chính quyền các địa phương phải huy động lực lượng để bảo vệ tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý kinh nghiệm rút ra sau cơn bão số 12 là các địa phương phải sẵn sàng lực lượng tại chỗ, trong đó lực lượng vũ trang, thanh niên làm chủ lực để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân. Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ, cả trên biển và trên đất liền.
Phó Thủ tướng cho rằng thời gian để ứng phó không còn nhiều do bão số 14 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ sáng 19/11 nên tỉnh Khánh Hòa phải huy động tổng lực, chủ động xử lý nhanh, có hiệu quả mọi tình huống có thể xảy ra.
Di dời hàng nghìn hộ dân và tàu thuyền trú bão
Theo báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó bão số 14, về công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, tính đến 15h30 ngày 18-11, tỉnh Khánh Hòa có 210 tàu cá/ 1.238 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển. Cụ thể Khu vực biển phía Nam Trường Sa 32 tàu, 214 thuyền viên; Khu vực biển Hoàng Sa 2 tàu, 21 thuyền viên, Khu vực biển phía Nam 7 tàu, 72 thuyền viên, Khu vực ven biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuân, Bình Thuận có 169 tàu, 931 thuyền viên. Hiện các tàu cá trên đã được thông báo thông tin của bão số 14 và có kế hoạch di chuyển, chủ động phòng tránh. Các phương tiện hoạt động tại khu vực Trường Sa đã di chuyển xuống phía Nam Trường Sa, ở dưới vĩ tuyến 70 để tránh gió; số tàu cá còn lại đang di chuyển vào bờ và neo đậu tại bến.
Về công tác sơ tán dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 2.080 bè; sau cơn bão số 12, nhiều lồng bè trên địa bàn tỉnh đều hư hỏng. Hiện nay, chỉ còn lại 661 bè với số người trên bè là 676 người (thuộc 2 địa bàn Cam Ranh và Nha Trang), các địa phương đã tổ chức thông báo, vận động và sơ tán số người trên vào bờ trước 16h chiều 18-11 để tránh trú bão số 14.
Về công tác sơ tán dân, các địa phương đã thống kê và đang triển khai thực hiện công tác sơ tán dân tại các vũng trũng, vùng thấp vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt, sạt lở đất.... đến nơi an toàn. Kế hoạch dự kiến công tác sơ tán sẽ hoàn thành trước 19h ngày 18-11, với tổng số hộ là 6.352 với 22.604 nhân khẩu, cụ thể: Vạn Ninh 396 hộ, 1.250 khẩu; thị xã Ninh Hòa 135 hộ, 450 khẩu; TP. Nha Trang 2.216, 6.618 khẩu; Diên Khánh 818 hộ, 3.272; Cam Lâm 1.030 hộ, 3.935 khẩu; thành phố Cam Ranh 710 hộ, 2.689 khẩu, Khánh Vĩnh 1.012 hộ, 4.250 khẩu; Khánh Sơn 35 hộ, 140 khẩu.
Về công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước, tính đến 15h30 ngày 18-11, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có dung tích trung bình đạt từ 60% đến 70%; các đơn vị quản lý hồ chứa đang triển khai vận hành điều tiết nước các hồ chứa theo quy trình vận hành đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 2 hồ chứa bị sạt trượt mái thượng lưu đập ngăn nước (hồ Đá Bàn, hồ Tiên Du), đến nay, đơn vị quản lý hồ chứa đã khắc phục hư hỏng trên đảm bảo an toàn cho công trình.
Một trong những chỉ đạo sát sao nhất của UBND tỉnh trong công điện khẩn vào trưa 18-11 đó là tập trung nguồn lực, nhân lực kiên quyết di dời nhân dân tránh trú bão, nhất là trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, các khu vực trũng thấp, các khu vực dể xảy ra sạt lở, theo báo Khánh Hòa.
Tổng hợp