Chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu đã bị gián đoạn sau khi Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, thắt chặt các biện pháp phòng dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tại một số vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên.
Biện pháp được Việt Nam áp dụng trong chống dịch COVID-19 kể từ năm ngoái là truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương và tăng cường giám sát phòng chống dịch ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Điều này đã cho phép nền kinh tế của đất nước phát triển ở một trong những tốc độ cao nhất trên toàn cầu trong năm 2020. Tuy nhiên, tờ The Guardian nhận định việc thiếu nguồn cung vaccine đã khiến công tác kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Tổng số ca nhiễm tính đến thứ Hai của Việt Nam đã tăng lên 445.292 ca, từ mức ít hơn 1.500 ca nhiễm trong cả năm 2020.
Các hạn chế đã được đưa ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm của đợt bùng phát, vào tháng 6, và tiếp tục siết chặt hơn nữa vào tháng 8. Theo tờ Blooomberg, các nhà xuất khẩu cà phê cho biết đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, và vấn đề là do thiếu container và chi phí mua sắm tăng cao. Các nhà máy sản xuất hàng hóa cho nhiều thương hiệu toàn cầu - bao gồm Samsung, Nike và Adidas - cũng bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã kêu gọi Chính phủ nới lỏng các hạn chế nhằm tạo điều kiện cho thị trường xuất khẩu mặt hàng này. Đáp lại lời kêu gọi của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu giới chức phía Nam giảm bớt các rào cản hành chính không cần thiết để đảm bảo vận chuyển thông suốt các mặt hàng nông nghiệp, như cà phê và gạo.
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn - loại cà phê nổi tiếng là đắng và được sử dụng chủ yếu trong cà phê hòa tan, cà phê Espresso và làm chất độn trong một số hỗn hợp cà phê xay nhất định. Brazil canh tác cả hai loại cà phê chính là Arabica và Robusta, trong đó giống cà phê Arabica vẫn chiếm ưu thế với khoảng 85% sản lượng còn lại là Robusta.
Sự bùng phát COVID-19 gần đây ở Việt Nam, đất nước cung cấp hơn 20% lượng cà phê nhập khẩu của EU vào năm 2019, đang góp phần vào "cơn bão lốc" tác động lên thị trường cà phê. Cùng lúc này, Brazil - nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới - đã tăng giá hạt cà phê do thời tiết xấu làm hư hại mùa màng.
Ibi Idoniboye, nhà phân tích thị trường cấp cao của Mintec, cho biết giá arabica và robusta đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Nhưng người tiêu dùng có lẽ sẽ không phải chịu ảnh hưởng của việc tăng giá ngay lập tức vì hầu hết các nhà cung cấp đều có hợp đồng với thời hạn sáu tháng. “Vài tháng tới sẽ là quan trọng nhất.” Idoniboye nói thêm: "Sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn khi chúng ta có thông tin cụ thể hơn về kết quả thu hoạch cà phê của Brazil và sự bùng phát COVID-19 tại Việt Nam."