Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, qua kiểm tra thực tế và đề xuất của các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ, hiện trạng của 492 đoạn, tuyến đường nói trên đang khai thác tốt và mới nâng cấp sửa chữa. Do đó, những tuyến đường này cần được bảo trì để sử dụng lâu dài, chỉ được phép thi công xử lý các sự cố đột xuất về kỹ thuật.
Đối với những trường hợp cấp bách, cần thiết phải thi công đào trên các tuyến đường này, Sở GTVT và UBND các quận, huyện sẽ xem xét giải quyết theo phân cấp quản lý. Việc cấm đào dưới lòng đường không ảnh hưởng đến cấm thi công trên hè phố (trường hợp hè phố đã hết thời hạn bảo hành).
Trong danh sách thống kê, phạm vi các đoạn, tuyến đường cấm đào cũng được ghi chú cụ thể để người dân biết thông tin. Theo Sở GTVT TP, so với năm 2016, số đoạn, tuyến đường cấm đào giảm từ 630 xuống còn 492 tuyến
Trước đó, qua ghi nhận thực tế của phóng viên, một số tuyến đường có tình trạng chồng chéo trong việc thi công đào đường. Có trường hợp, đơn vị này vừa thi công xong, làm đường mới thì đơn vị khác lại đến đào lên khiến chất lượng đường mau xuống cấp và làm ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống của người dân.
Danh sách một số tuyến đường cấm đào trong năm 2017 ở khu vực trung tâm TP HCM: Công trường Công xã Paris, Công trường Quách Thị Trang, Công trường Mê Linh, Công trường Quốc tế, Đặng Thị Nhu, Đinh Tiên Hoàng, Đường dẫn hầm chui dưới cầu Điện Biên Phủ, Đường nối từ Thái Văn Lung ra Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Hồ Tùng Mậu, Ký Con, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ…
Theo Người lao động