Năm nay, người lao động được nghỉ trước Tết nguyên đán 2 ngày. Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán lại chỉ cách nhau chưa đầy một tháng, nên theo nhận định của Sở Công Thương, nhu cầu mua sắm chuẩn bị Tết của người dân sẽ tăng đột biến so với các năm trước.
Tại buổi làm việc sáng nay với lãnh đạo thành ủy và các doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các chợ và siêu thị trên địa bàn có kế hoạch tăng thời gian phục vụ trong khoảng 10 ngày trước Tết.
Cụ thể, từ ngày 20 đến 27 tháng Chạp năm Bính Thân, tức ngày 17/1/2017 đến 24/1/2017, các chợ và siêu thị trên địa bàn sẽ mở cửa phục vụ đến 23h đêm. Từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Chạp, các chợ sẽ mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm. Riêng ngày 30 Tết, các điểm kinh doanh chỉ hoạt động đến 12h trưa.
Đến sáng ngày mùng 2 Tết, các siêu thị, trước mắt là các siêu thị thuộc hệ thống Co.op Mart đã đăng ký mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các siêu thị chỉ hoạt động từ 8h sáng đến 12h trưa trong suốt từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Đến mùng 6 Tết mới hoạt động bình thường trở lại.
Về nguồn hàng, theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng tăng 30 – 40% so với Tết năm ngoái. Trong khi đó, kế hoạch được Sở giao cho các đơn vị tham gia bình ổn thị trường tăng 15 – 20%.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết nguồn hàng chuẩn bị cho Tết năm nay không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ cho người dân tại thành phố, mà có thể chia sẻ được với các tỉnh, thành lân cận.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho ngày Tết như bia, gạo, đường, muối… đã cam kết không tăng giá trong 2 tháng trước và sau Tết.
“Đánh giá của chúng tôi tính đến giờ này, nguồn hàng hóa chuẩn bị Tết là ổn định, sẽ không xảy ra biến động lớn về giá, nguồn cung”, ông Kiên cho biết.
Theo kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị từ sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Đinh Dậu 2017 là hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị cho Tết Bính Thân 2016. Riêng nhóm hàng bình ổn thị trường đã có giá trị gần 7.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều nhóm hàng chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối 35% - 52% nhu cầu thị trường, như thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)...
Các ngân hàng tại TP.HCM cũng đã đăng ký hỗ trợ 12.900 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết năm nay; tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
Hiện số giải ngân mới đạt khoảng 1.200 tỷ; tương đương khoảng 10%. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương, con số giải ngân thấp không có nghĩa là các doanh nghiệp dự trữ hàng ít hơn mọi năm. Điều này do đa phần doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ tháng 4/2016, nên chủ động hơn về nguồn vốn.