Anh Huỳnh Thanh Tâm, nông dân tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, người sáng tạo ra cách tạo hình trên trái dừa để chưng Tết cho biết, hiện tại, các đơn đặt hàng dừa in chữ đã vượt quá khả năng cung ứng. Sau năm đầu thăm dò thị trường, năm nay đã có thêm một số nông dân tại Bến Tre được chuyển giao kinh nghiệm làm dừa in chữ. Tuy nhiên, vườn dừa của anh Tâm hiện vẫn chiếm sản lượng chủ lực, với khả năng cung ứng khoảng 2.000 trái cho dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Dừa in chữ được anh Tâm bán ra cho các đầu mối với giá từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi quả, bao gồm hộp đựng và đế gỗ để trưng bày. Quả dừa năm nay ngoài các chữ Tài Lộc thì có thêm các câu chúc như: Chúc mừng năm mới, Vạn sự như ý, An khang thịnh vượng và các nội dung theo đặt hàng riêng. Khách hàng chủ yếu là các đầu mối ở khu vực miền Trung và miền Bắc. So với giá bán tại vườn của dừa tươi thông thường chỉ 5.000 đồng mỗi trái thì giá trị gia tăng từ dừa in chữ khá cao, gấp 60 lần. Tuy nhiên, theo anh Tâm, để tạo hình dừa in chữ cũng tốn khá nhiều công sức.
“Làm khuôn để in chữ cho dừa phải làm thủ công hoàn toàn chứ không đúc đồng loạt như khuôn tạo chữ cho bưởi. Khuôn cũng đòi hỏi phải dầy hơn, dùng nhiều nhựa để đúc hơn. Tính bình quân, chi phí cho mỗi khuôn tốn đến 100.000 đồng”, anh Tâm cho hay.
Dự kiến, từ ngày 20 đến 21 tháng Chạp, dừa in chữ sẽ được thu hoạch và cung ứng ra thị trường. Hiện tại, anh Tâm cùng các nhà vườn đang tất bật chuẩn bị làm khuôn. Anh cho biết, giống dừa anh dùng để in chữ là dừa xiêm xanh. Dừa sẽ được ép khuôn tạo chữ từ 20 đến 25 ngày trước khi thu hoạch. Tuy nhiên, do năm nay mưa nhiều nên tỷ lệ thành công dự báo cũng sẽ thấp hơn Tết vừa rồi. Do đó, dù giá bán sỉ tại vườn không thay đổi nhiều nhưng giá bán lẻ của dừa in chữ năm nay có thể tăng đến 30%.
Dừa in chữ có giá 300.000-500.000 đồng mỗi trái. |
Ngoài dừa in chữ, năm nay anh Tâm còn sản xuất giới hạn sản phẩm dừa hồ lô và dừa bánh tét. Giá dừa hồ lô dao động từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng mỗi quả. Trong khi đó, dừa bánh tét có giá đến 750.000 đồng mỗi quả. “Dừa hồ lô và dừa bánh tét tôi chỉ làm vài chục quả, chủ yếu để tặng khách và chào hàng cho đợt sản xuất năm sau. Làm hai loại này tốn công và mất thời gian hơn dừa in chữ nhiều. Để tạo hình thì cũng phải ép khuôn từ 2,5 đến 3 tháng trước ngày thu hoạch”, anh Tâm cho biết.
Theo các đầu mối kinh doanh trái cây độc lạ chưng Tết, so với bưởi tạo hình thì dừa in chữ đang có sức hút lớn vì còn mới mẻ, sản lượng ít. Ngoài ra, dừa in chữ có ưu điểm hơn về thời gian trưng bày, có thể đến cả tháng nếu điều kiện mát mẻ hay trong phòng lạnh. “Sau vụ dừa Tết này, tôi có ý định liên hệ với chính quyền địa phương và liên kết với các hộ nghèo có vườn dừa để năm sau mở rộng sản lượng cung ứng, vừa thỏa mãn nhu cầu, vừa cải thiện giá trị gia tăng cho trái dừa vào dịp Tết”, anh Tâm chia sẻ.