Sáng 29/11, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi kiểm tra và làm việc với TP.HCM về kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Đinh Dậu 2017.
Đã chuẩn bị xong 80%
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết công tác chuẩn bị nguồn hàng cung ứng thị trường Tết Dương lịch, Âm lịch 2017 tại TP đã đạt khoảng 80%. Các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị lượng hàng tăng 15%- 20% so với kế hoạch TP giao, tăng 25%- 45% so với kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Trong đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 35%-52% nhu cầu thị trường.
Sở Công Thương TP.HCM đã kiểm tra, khảo sát các DN ở TP và một số tỉnh, ghi nhận tình hình chuẩn bị hàng Tết năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 15%-30%. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng thường.
Theo bà Trang, Tết này, ngoài nguồn hàng hơn 17.000 tỷ đồng (trong đó hàng bình ổn thị trường là 6.851 tỉ đồng), dự kiến người dân TP.HCM sẽ có thêm nhiều lựa chọn từ nguồn hàng hóa đặc sản các địa phương đưa về tiêu thụ. Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và 38 tỉnh, thành diễn ra cuối tuần trước, đã có 412 hợp đồng ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các DN, cơ sở sản xuất các tỉnh, thành với các DN kinh doanh, nhà phân phối lớn của TP.
Đánh giá cao kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu TP tăng cường phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành bình ổn thị trường thông qua những hệ thống phân phối mà TP đã mở rộng mạng lưới tại các địa phương. TP.HCM không được chủ quan mà cần chủ động liên kết với các địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát để bảo đảm chất lượng và sản lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giữ giá, tăng kênh bán hàng
Các DN bán lẻ cho biết đang tích cực huy động nhiều kênh phân phối để đưa hàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Song song với chiến lược cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm, các DN còn trưng bày hàng Tết sớm, tăng cường các chương trình khuyến mãi - hoạt náo, tổ chức bán hàng lưu động, giới thiệu sản phẩm... Cạnh tranh mạnh mẽ nhất là các hệ thống siêu thị. Đến nay, thông điệp chính mà các hệ thống siêu thị đưa ra là ổn định giá, bảo đảm chất lượng kèm khuyến mãi “khủng” trong mùa Tết.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết hệ thống Co.opXtra, Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile chủ động tham gia giữ giá tốt hơn giá thị trường tối thiểu 5%-10% với các mặt hàng cùng loại và giảm giá 10%-50% cho hàng ngàn mặt hàng trong 1 tháng trước Tết.
Hệ thống siêu thị Big C cho biết sẽ “chạy” chương trình khuyến mãi luân phiên từ 45 ngày trước Tết, áp dụng cho nhóm hàng tiêu dùng nhiều ngày Tết. Cũng trong thời gian này, Big C áp dụng chính sách “khóa giá”, giữ ổn định giá tất cả mặt hàng.
Lotte Mart thì chủ động các nguồn hàng khác nhau, bảo đảm đủ nguồn cung, ổn định mức giá, tránh xảy ra tình trạng sốt giá ảo. Trong đó, tập trung bình ổn giá bánh kẹo, cà phê, đồ uống, thời trang và các loại rau củ quả.
Hệ thống siêu thị Metro cũng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo mới xuất xứ từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh về các loại gia vị nhập khẩu, Tết này, Metro sẽ thiết kế giỏ quà chuyên về gia vị để bổ sung nguồn quà tặng phong phú cho khách hàng.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, mới bắt đầu qua tháng 11 âm lịch nhưng các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ sỉ tại TP.HCM đã “lên” hàng Tết. Hiện diện nhiều nhất trên quầy kệ siêu thị, sạp chợ là bánh kẹo, mứt, nước giải khát, thực phẩm công nghệ, giỏ quà tặng... mẫu Xuân. Sôi động, chiếm nhiều diện tích nhất là các mặt hàng bánh kẹo.
Với con số tiêu thụ toàn thị trường
TP.HCM dự kiến khoảng 18.000 tấn bánh kẹo trong dịp Tết, các công ty bánh kẹo tăng sản lượng, cải tiến chất lượng, mẫu mã để khai thác mùa kinh doanh lớn nhất trong năm. Mondelez Kinh Đô tiếp tục đa dạng các dòng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng với 40 loại bánh với mức giá khuyến nghị dao động 40.000 -194.000 đồng/ sản phẩm. Công ty này còn tích cực đưa hàng Tết về các chợ, khu công nghiệp thông qua những hoạt động giới thiệu sản phẩm kết hợp nhiều hoạt động hấp dẫn như múa lân, thần tài chúc Tết, tặng bao lì xì... dự kiến kéo dài từ ngày 14/12/2016 đến 25/1/2017.
Bibica cũng đã tung hàng tại các quầy kệ của tất cả hệ thống siêu thị, 500 cửa hàng, 10.000 điểm bán trên cả nước từ gần 1 tháng trước với điểm nhấn là những sản phẩm chất lượng, thiết kế đẹp.
Riêng về kế hoạch bán hàng lưu động, từ nay đến Tết, có đến 307 chuyến bán hàng của các DN bình ổn thị trường tỏa về các quận ven, huyện ngoại thành TP.HCM, các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân.
Chạy nước rút với đề án truy xuất nguồn gốc thịt
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết Tết này, TP.HCM sẽ chú trọng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo với sự tham gia của các trang trại chăn nuôi, các nhà máy giết mổ lớn và hệ thống hơn 500 điểm bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sạp chợ… trên địa bàn TP đang chạy nước rút để ngày 10-12 chính thức triển khai.
Đề phòng khả năng người dân đổ xô đến các điểm bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc để mua thịt, Sở Công Thương đã làm việc với các đơn vị chủ lực về công tác chuẩn bị nguồn hàng, mở thêm điểm bán lưu động..., sao cho chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Người Lao Động