Theo SciTech Daily, khí hậu Trái Đất được xác định bởi sự cân bằng tinh tế giữa năng lượng bức xạ vũ trụ mà nó nhận được - chủ yếu chính từ ngôi sao mẹ mang tên Mặt Trời - và năng lượng mà Trái Đất phát ra ngoài vũ trụ. Nhưng trong nhiều năm qua, nó càng ngày càng "nuốt" ít hơn "nhả", điều này đã nung nóng hành tinh.
Nghiên cứu mới của NASA và NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ) đã so sánh dữ liệu từ 2 phép đo độc lập để chỉ ra rằng trong thời gian từ năm 2005 đến 2019, sự mất cân bằng năng lượng Trái Đất đã gia tăng gấp đôi và đó thực sự là điều tồi tệ.
Tiến sĩ Norman Loeb từ Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA cho biết, thủ phạm của sự mất cân bằng này chính là sự gia tăng phát thải các khí nhà kính do hoạt động của con người.
Các khí này, ví dụ như carbon dioxide và mê-tan, sẽ làm tăng độ giữ nhiệt của bầu khí quyển, vì vậy năng lượng của Trái Đất không thoát ra được trong khi vẫn nhận vào dồi dào.
Sự mất cân bằng này đã dẫn đến các hiện tượng như nóng lên toàn cầu, băng tan nhanh chóng ở các địa cực.
Tiến trình mất cân bằng năng lượng này càng bị thúc đẩy một cách xui rủi bởi sự chuyển đổi của PDO (Dao động suy giảm Thái Bình Dương). PDO là một mô hình biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương, trong đó một khối nước khổng lồ ở phía Đông đại dương này trải qua các pha nóng và lạnh tự nhiên do thay đổi nội tại của hành tinh.
Dữ liệu của NASA và NOAA cho thấy từ năm 2014, PDO đã đi vào giai đoạn tăng độ ấm, làm giảm số mây bao phủ phía trên Thái Bình Dương, từ đó tăng sự hấp thụ năng lượng Mặt trời.