Tại lễ ký kết đảm bảo tiến độ giữa Tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc với hơn 20 nhà thầu phụ sáng nay (14/10), ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án, đại diện tổng thầu EPC cho biết, việc ký cam kết tiến độ thực hiện giữa các nhà thầu phụ và Tổng thầu không chỉ là cam kết giữa hai bên mà cũng chính là cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án đường sắt và người dân Hà Nội.
Ngoài ra, ông Đường Hồng cũng cho rằng, đối với mỗi hạng mục công trình đều xây dựng mốc tiến độ giai đoạn cụ thể và mốc tiến độ cuối cùng, cũng như xác định nguyên tắc thưởng phạt rõ ràng.
“Với nhà thầu phụ không hoàn thành mốc tiến độ giai đoạn, chậm một ngày sẽ xử phạt 10 triệu đồng, với mốc tiến độ cuối cùng chậm 1 ngày cũng phạt 10 triệu đồng. Ngược lại nhà thầu vượt tiến độ sẽ được thưởng 10 triệu đồng đồng thời thưởng một lần theo quy định trong Bản thỏa thuận mà hai bên đã ký kết và hoàn trả lại toàn bộ khoản tiền phạt mốc tiến độ giai đoạn trước,” ông Đường Hồng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, hiện tại, khối lượng xây lắp hạ tầng chạy tàu của dự án hoàn thành ước đạt 81%.
Cụ thể, dự án đã hoàn thành 90%khối lượng thi công ác nhà ga, 6/10 nhà ga đã cơ bản hoàn thành kết cấu mái thép, đang tiến hành xây trát, trang trí hoàn thiện. Hiện công tác đào tạo cơ bản dang thực hiện theo đúng kế hoạch, 190 học viên đào tạo tại Trung Quốc đã học xong về nước, tại Việt Nam cũng đã tuyển dụng được 298/450 nhân sự. Dự án trang bị, mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1 của Công ty chế tạo tàu điện ngầm Bắc Kinh đang thực hiện.
Ông Thành cũng yêu cầu tổng thầu EPC và các thầu phụ khẩn trương hoàn thành hợp phần xây dựng hạ tầng chạy tàu trước 31/12/2016, hợp phần mua sắm lắp đặt thiết bị trước 31/6/2017 và bắt đầu chạy thử, phấn đấu tháng 10/2017 đưa dự án vào khai thác thương mại.
Đánh giá cao sáng kiến thưởng, phạt của tổng thầu Trung Quốc, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, chỉ còn hơn 2 tháng cho mục tiêu hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ bản trong khi khối lượng công việc còn gần 20%, các giải pháp thi công đẩy nhanh tiến độ rất quan trọng.
Trước đó, phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,05km đã chính thức Bộ Giao thông Vận tải được hợp long tại ga Văn Khê vào sáng ngày 8/10 vừa qua.
Đề cập đến vấn đề bố trí vốn cho dự án, theo Thứ trưởng Trường, qua chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Trung Quốc, Chính phủ hai nước đã có cam kết và thống nhất cấp vốn tín dụng cho dự án và đến nay có thể khẳng định vốn cho dự án hoàn toàn đầy đủ, chỉ tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án.
Liên quan đến vấn đề kết nối kỹ thuật giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, Thứ trưởng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Tổng thầu để cập nhật công nghệ mới nhất cho tuyến đường sắt này, thống nhất công nghệ điều khiển đoàn tàu, hoạt động thao tác hoàn toàn tự động kết nối cho các tuyến đường sắt sau này đặc biệt là thẻ vé có thể dùng chung cho tất cả tuyến đường sắt.
Để sử dụng khai thác hiệu quả tuyến đường sắt và kết nối với các loại hình khác, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải làm việc với thành phố Hà Nội và Tổng thầu Trung Quốc thành lập Tổ công tác nhằm mục tiêu vận hành khai thác đoàn tàu hiệu quả và an toàn nhất, phối hợp kết nối giữa các tuyến đường sắt và xe buýt và giữa các tuyến xe buýt với nhà ga, sau này là các tuyến đường sắt khác. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã lập một sơ đồ vận tải hoàn chỉnh và từng bước thực hiện từ đầu năm 2017.
Trả lời về hiệu quả của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông khi đưa vào hoạt động, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, sẽ phải mất một thời gian cho người dân làm quen với loại hình này và hy vọng lưu lượng xe máy đi trên tuyến đường sẽ giảm, tránh được ùn tắc giao thông để từ đó mọi người dân đô thị nhìn nhận thay đổi thói quen chuyển từ xe máy sang vận tải công cộng mà đặc biệt là đường sắt đô thị là hết sức quan trọng./.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.
Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1.435m, tốc độ tối đa 80km/giờ; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23ha.