Chị Nguyễn Thị Diện, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, cho biết hàng năm vào mùa nước nổi, vùng này bông súng mọc rất nhiều ngoài đồng.
Nhiều nhất là bông súng trắng (bông súng đồng) và một số bà con nghèo nhờ bán bông súng mà có thêm thu nhập trong mùa lũ.
Nhưng loài bông súng này cũng không thể tồn tại trên đồng ruộng, vì cây lúa một năm làm 2-3 vụ.
Nhất là có không ít người chuyển đất ruộng thành liếp, lập vườn trồng loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó bông súng không còn đất sống.
Thời gian gần đây, xuất phát từ một vài hộ trong xã trồng bông súng đỏ dưới mương vườn, mục đích là cải thiện bữa ăn trong gia đình, nào ngờ khi bông súng bắt đầu nở rộ và nhiều người đến hỏi mua.
Từ đó, bông súng đỏ của những hộ này đã trở thành tâm điểm hàng “nông sản” của nhiều thương lái.
Theo kinh nghiệm của một số hộ dân đã trồng bông súng, mô hình này không tốn diện tích, cũng không cần phải đầu tư chi phí và công chăm sóc nhiều.
Loại bông súng đỏ sống ở môi trường tự nhiên trong ao, mương, nếu mực nước càng sâu, đáy mương càng nhiều đất bùn non thì bông súng phát triển càng mạnh.
Bông súng có thời gian sinh trưởng và thu hoạch từ 3-4 năm mới trồng lại một lần, đây cũng là khoảng thời gian thuận lợi cho người trồng, kết hợp nuôi thêm các loại cá nước ngọt, ốc bươu đen…
Theo các hộ dân thì 3-4 ngày thu hoạch bông súng một lần, thương lái đặt mua tại nhà từ 10.000-13.000 đồng/kg đã qua công đoạn rửa sạch, cắt bó thành lọn, trung bình 1ha mặt nước trồng bông súng kết hợp nuôi cá, một năm có thể thu nhập vài chục triệu đồng.
Một cán bộ xã Phương Phú cho biết, hiện toàn xã có khoảng 60 hộ dân đang thực hiện mô hình này, nhiều nhất là tuyến kênh Giải Phóng, thuộc ấp Phương Thạnh tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Do nhu cầu tiêu thụ nhiều nên được thương lái từ các nơi về đây thu gom, vận chuyển với số lượng không giới hạn.
Lý giải nguyên nhân bông súng gần đây tiêu thụ mạnh, nhiều người cho rằng, loại này không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Phú, cho biết mô hình này bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những gia đình có đời sống kinh tế khó khăn.
Đây cũng là sự lựa chọn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện của nhiều hộ dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo mà các cấp, các ngành trong xã đang chung tay xây dựng.
Những năm gần đây, nhiều hộ nghèo trong xã vươn lên thoát được nghèo ngoài sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thì bà con còn tự tìm tòi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai có giá trị kinh tế lâu dài.
Hướng tới, UBND xã kết hợp với các ngành chức năng, nghiên cứu làm như thế nào để đảm bảo được đầu ra cho cây bông súng ổn định lâu dài để bà con an tâm sản xuất.
Theo Báo Hậu Giang