Tiếng trống làng hội đủ các loại hình như: Trống lệnh, trống tế, trống lễ hội, trống thông báo, trống trường làng, trống rồng, trống đua thuyền, đuổi lợn, bắt vịt, kéo co, đánh cờ, trống đội thiếu nhi…
Trống lệnh khi được đánh lên là báo hiệu cho mọi người biết có một sự kiện hệ trọng nào đó sắp hoặc đang xảy ra. Mỗi một sự kiện, công việc, hoạt động, đều được truyền tín bằng một cách thức đánh trống riêng mà người dân trong làng chỉ cần nghe tiếng trống là biết ngay sự việc gì. Chẳng hạn như: Trống lệnh hiếu, thông báo có người chết thì trống đánh ba hồi chín tiếng. Trong việc hiếu ngoài trống lệnh thông báo, còn có trống nhập quan, trống bát âm, trống di quan, trống đưa, trống hạ huyệt… Trống lệnh báo cháy, vỡ đê, trộm cướp thì đánh dồn dập, gọi là trống ngũ liên. Thời bao cấp còn có trống báo họp đội sản xuất, trống ra đồng, về đồng, trống giải lao, chia rơm, chia thóc…
Tôi sinh ra lớn lên từ làng, làng tôi là một làng cổ, có đủ các thiết chế sinh hoạt văn hoá cộng đồng như: Đình, chùa, miếu phủ, nên từ bé tiếng trống làng đã thấm sâu vào tâm thức. Có lẽ không chỉ tôi, mà tất cả những ai sinh ra lớn lên từ làng cũng đều có tiếng trống làng trong vùng ký ức quê hương của mình. Cho đến bây giờ chỉ cần nghe tiếng trống làng gióng lên là biết ngay có hoạt động gì, sự kiện gì. Ngay cả ngồi nhà nghe tiếng trống tế ngoài đình, ở chùa cũng biết đang tế lễ gì, tế ở phần nào. Đàn ông trong làng hầu hết đều biết đánh trống lệnh và một vài hình thức trống khác.
Quan niệm của cha ông ta từ ngày xưa coi trống là hiện vật thiêng. Tiếng trống là một trong những phương tiện cần thiết để phục vụ sinh hoạt, lao động, học tập… Về mặt tinh thần, tiếng trống tạo ra không gian giao cảm, để con người bày tỏ các cung bậc cảm xúc vui, buồn, gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Cũng vì thế, chiếc trống được xem là một sản phẩm văn hóa, một thứ tài sản không thể thiếu trong sinh hoạt của cộng đồng làng xã.
Ngày nay, với đủ các loại hình truyền tin văn minh và hiện đại, có nhiều những loại hình hoạt động, những nét văn hoá đã dần phai, dần mất do không còn phù hợp, nhưng tiếng trống làng không những không mất đi mà vẫn còn nguyên giá trị, không những thế còn được phát triển mở mang phong phú hơn.
Làng tôi bây giờ đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài đình, chùa, miếu, phủ còn có thêm nhà văn hoá được đầu tư trang bị các loại dụng cụ, thiết bị cho sinh hoạt văn hoá như; hệ thống âm thanh, các nhạc cụ… nhưng vẫn không thể thiếu một bộ trống da trâu. Đường làng cũng đã mắc loa truyền thanh của xã, huyện. Nhưng, mỗi khi có hoạt động, sự kiện, lễ nghi gì vẫn không thể thiếu tiếng trống làng.
Tôi nghĩ: Tiếng trống làng là một giá trị văn hoá, một nét văn hoá dân tộc đặc sắc có sức sống bền bỉ từ nghìn đời. Tiếng trống làng là một trong phương tiện, các hình thức phục vụ đời sống tinh thần, sinh hoạt cộng đồng mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người Việt.
“Dù ai đi đâu ở đâu
Hễ nghe tiếng trống rủ nhau tìm về”.
Tiếng trống làng đã theo tôi quá nửa cuộc đời và tôi tin tiếng trống làng sẽ còn tồn tại và lưu truyền mãi mãi, cho dù làng xã có phát triển đến đâu.