Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Việc cây lúa gặp khó khăn trong những năm qua đã thôi thúc người nông dân tìm hướng đi mới trong nông nghiệp nhằm đạt lợi nhuận cao hơn. Trong đó, mô hình trồng măng Điền Trúc đang cho những tín hiệu tích cực. Hiện tại, mô hình đang được áp dụng trên diện tích 4.000m2 đất của ông Nguyễn Văn Tường tại ấp Bình Phú 2”.
Về nguyên nhân khởi phát mô hình, ông Nguyễn Văn Tường chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nhận thấy một số anh em tại địa phương trồng tre lấy măng có hiệu quả. Tuy nhiên, họ chỉ trồng diện tích nhỏ và bán tại các chợ địa phương. Vì vậy, tôi quyết định “làm quen” với cây tre Điền Trúc và cố gắng học hỏi kinh nghiệm canh tác của những người đi trước. Hiện nay, 4 công tre của tôi đã 3 năm tuổi và đang cho thu hoạch khá ổn định”.
Với đặc tính dễ trồng, cây tre Điền Trúc tỏ ra “hợp tính, hợp nết” với vùng đất phù sa Phú Bình. Chúng phát triển khá tốt và cho ông Tường nguồn thu rất khá. “Hiện nay, tôi bẻ măng giao cho thương lái địa phương với chu kỳ 2 ngày/ một ần. Bình quân, mỗi lần thu hoạch khoảng 170 - 200kg măng. Thông thường, măng Điền Trúc được thương lái thu mua với giá 14.000 - 18.000 đồng một kg. Tính ra, tôi có thu nhập 400.000 - 500.000 đồng một lần thu hoạch”, ông Tường cho hay.
Tuy nhiên, ông Tường cũng cho biết, việc canh tác măng Điền Trúc không đơn giản, nhất là khâu “xuống giống” sao cho nhánh tre phát triển tốt. Nhiều trường hợp không thành công bởi tre bị chết khi trồng xuống đất. “Nhiều nông dân tìm tôi học hỏi kinh nghiệm vì họ không cách nào làm cho nhánh tre sống và phát triển. Thực tế, quá trình trồng tre Điền Trúc đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nhất là khâu xử lý độ ẩm và tro bón lót”, ông Tường chia sẻ. Hiện tại, ngoài việc cung cấp măng cho thương lái tại TP Châu Đốc và các địa phương lân cận, ông Tường còn bán tre giống với giá 6.000 đồng một nhánh. Ông cho biết, nhiều người tìm đến mua lá tre tươi làm nguyên liệu gói bánh lá tre với giá 10.000 đồng một kg, trong khi lá tre khô được gom vào gốc để làm phân hữu cơ.
Qua việc tận dụng tối đa nguồn thu từ cây tre, ông Tường có thu nhập trên 140 triệu đồng từ trước Tết đến nay. Hiệu quả kinh tế ổn định, ông đang mở rộng diện tích mô hình. “Tôi mua thêm 1.600m2 đất để tiếp tục trồng tre Điền Trúc. Thực tế, mô hình này không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định thuộc về đặc tính của cây tre Điền Trúc. Ngoài ra, còn phải kể đến việc xử lý mùa vụ sao cho măng không phát triển rộ trong mùa mưa, bởi khi đó, lượng măng miền núi sẽ tràn ra các chợ khiến giá của mặt hàng này giảm xuống”, ông Tường chia sẻ thêm.
Theo Báo An Giang