Các dấu hiệu
Một người lao động quét đường phố trong một ngày mưa tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 12/7. Ảnh: Reuters |
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trưởng 3-4% hàng năm như một số chuyên gia dự đoán.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từng hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách phát triển của nước này với Mỹ. Còn thanh niên Trung Quốc đến giảng đường đại học để học các ngành nghề của nền kinh tế tiên tiến.
Nhưng ông Desmond Lachman, một thành viên Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Khó có khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong một hoặc hai thập niên tới”. Ông dự đoán tốc độ tăng trưởng Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 3% khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã ở mức trên 20%. “Điều này cũng không tốt cho phần còn lại của kinh tế thế giới”, ông bổ sung.
Reuters cho rằng mức tăng trưởng trong quý hai 6,3% gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong tháng 7 này họ dự kiến nhóm họp để thảo luận về thúc đẩy ngắn hạn và các biện pháp khắc phục dài hạn. Dữ liệu từ tháng 4 đến tháng 6 cho thấy mức tăng trưởng năm 2023 sẽ đạt khoảng 5%. Trong thập niên qua, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc trung bình khoảng 7% và trong những năm 2000 là hơn 10%.
Dây chuyền lắp ráp xe ô tô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 3/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Các nhà kinh tế học không còn cho rằng tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư khu vực tư nhân yếu là do tác động của đại dịch COVID-19, thay vào đó họ quy trách nhiệm cho căn bệnh cơ cấu. Chúng bao gồm sự bùng nổ của bong bóng trong lĩnh vực bất động sản, mất cân đối giữa đầu tư và tiêu dùng, nợ của chính quyền địa phương và sự kiểm soát chặt chẽ với xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động và người tiêu dùng của Trung Quốc đang thu hẹp lại trong khi nhóm người về hưu lại phình ra. "Vấn đề nhân khẩu học, hạ cánh cứng của lĩnh vực bất động sản, gánh nặng nợ của chính quyền địa phương, bi quan của khu vực tư nhân cũng như căng thẳng Trung Quốc-Mỹ không cho phép chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng trung và dài hạn", nhà kinh tế học Wang Jun tại Huatai Asset Management (Trung Quốc) nói.
Nhà kinh tế học Richard Koo tại Viện nghiên cứu Nomura trụ sở tại Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đang xảy ra cảnh người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả nợ thay vì đi vay và đầu tư. Theo ông đây là bước khởi đầu của suy thoái và cách chữa trị duy nhất là kích thích tài chính "nhanh chóng, đáng kể và bền vững".
Đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều nợ hơn là tăng trưởng. Khi các nền kinh tế lớn cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn bị mắc kẹt trong các cuộc chiến thương mại với Mỹ và mới nhất là về kim loại được sử dụng trong chất bán dẫn. “Mỗi khi Mỹ công bố một số chính sách chống Trung Quốc, Bắc Kinh lại đưa ra chính sách tương đương. Nhưng người Mỹ không ở trong bẫy thu nhập trung bình. Trung Quốc thì có", ông Koo nhấn mạnh.
Lối thoát
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 10/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Người đứng đầu Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) Zheng Shanjie trong một bài đăng trên tạp chí Qiushi vào ngày 4/7 có đề cập đến bẫy thu nhập trung bình và bình luận rằng Trung Quốc cần “đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại” để tránh nguy cơ này.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng sự bùng nổ xe điện của Trung Quốc là minh chứng của tiến bộ, nhưng phần lớn khu liên hợp công nghiệp của nước này không được nâng cấp với tốc độ tương tự. Doanh số bán ô tô ở nước ngoài chỉ chiếm 1,7% xuất khẩu của Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách cho biết họ muốn tiêu dùng hộ gia đình là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nhà kinh tế học Juan Orts tại Fathom Consulting (Mỹ) nhận định việc thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng có thể kéo nguồn lực ra khỏi hỗ trợ các nhà sản xuất xuất khẩu. Do đó, ông Orts đánh giá: “Chúng tôi không nghĩ chính quyền sẽ cam kết đi theo con đường đó".
Nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn, lương hưu và trợ cấp thất nghiệp cao hơn, cùng các yếu tố xây dựng khác để giúp người tiêu dùng tự tin chi tiêu và tiết kiệm ít đi.
Cố vấn ngân hàng trung ương Cai Fang trong tháng này đã kêu gọi kích thích tiêu dùng, bao gồm cả những thay đổi đối với hộ khẩu tại Trung Quốc, vốn từ chối dịch vụ công cho hàng triệu người di cư từ nông thôn đến các thành phố mà họ làm việc. Ông Zhu Ning tại Học viện Tài chính cấp cao Thượng Hải phân tích rằng cải thiện phúc lợi xã hội có thể khiến tốc độ tăng trưởng 3-4% trở nên bền vững hơn.