Ngày 27/12/1941, lực lượng phát xít Đức đồn trú trên đảo Vagsoy, Na Uy rất ngạc nhiên khi chứng kiến một sĩ quan thuộc Tiểu đoàn đặc nhiệm số 3 của Anh thổi kèn túi, nhảy khỏi xuồng đổ bộ, ném lựu đạn và tuốt gươm dẫn đầu nhóm quân Anh lao thẳng vào cứ điểm của họ, theo Vice.
Sĩ quan đó là trung tá John Malcolm Thorpe Fleming Churchill, còn có biệt danh là "Jack Điên", người nổi tiếng với những hành động chiến đấu kỳ quái trên chiến trường. "Jack Điên" là người đã sống sót qua nhiều vụ nổ, vài lần trốn thoát khỏi nhà tù phát xít, bắt giữ 42 lính Đức chỉ bằng gươm trong một lần tập kích, cũng là người cuối cùng hạ đối phương bằng cung tên trong cuộc chiến.
Sai khi tốt nghiệp Học viện quân sự Hoàng gia Sandhurst năm 1926, Churchill được điều tới Myanmar khi mới 20 tuổi. Chán cảnh quân ngũ thời bình, ông phục viên vào năm 1936 và làm nhiều nghề khác nhau, sau đó trở thành đại diện cho Anh trong cuộc thi bắn cung quốc tế ở Oslo năm 1939.
Khi Thế chiến II nổ ra, Churchill tái nhập ngũ, được điều đến Pháp để hỗ trợ lực lượng Anh tăng cường cho phòng tuyến Maginot. Ông bắt đầu được gọi là "Jack Điên" khi thường cưỡi xe máy, mang cung tên và một thanh kiếm ra chiến trường, đối mặt với rừng súng ống của kẻ thù.
Trong chiến đấu, Churchill áp dụng lối đánh du kích. Trong trận tập kích vào lực lượng Đức ở thị trấn L'Epinette, Pháp, Churchill bắn một mũi tên trúng ngực viên trung sĩ Đức, mở đầu cho cuộc giao tranh bằng súng máy giữa hai bên. Trong trận Dunkirk, ông giải cứu một sĩ quan bị thương nặng và được tặng Huân chương dũng cảm của quân đội Anh.
Sau khi gia nhập lực lượng đặc nhiệm mới thành lập của Anh, Churchill bị thương khi một đồng đội vô tình kích hoạt gói bộc phá ngay bên cạnh. Nhưng ông sớm bình phục và trở lại trong chiến dịch đổ bộ ở Salerno, Italy năm 1943.
Trong chiến dịch này, "Jack Điên" và đồng đội nhận nhiệm vụ loại bỏ một khẩu đội cối 81 mm ở làng Piegoletti, nơi được bố trí canh gác nghiêm ngặt với số lượng lính đông.
Lợi dụng đêm tối, Churchill và một hạ sĩ bí mật bò vào các chốt gác của lính Đức, dùng thanh kiếm của mình bất ngờ kề vào cổ đối phương để bắt làm tù binh. Với thành tích bắt sống 42 lính Đức chỉ trong đêm đó, ông đã được tặng Huy chương Chiến công xuất sắc.
Trung tá Churchill sau chiến tranh. Ảnh: Wikipedia. |
Năm 1944, Churchill dẫn đầu một cuộc tấn công trực diện quy mô lớn vào khu vực được bảo vệ ở đảo Brač, Nam Tư. Ông và 7 người khác đến được mục tiêu, nhưng khi bắn hết đạn, ông nhận ra chỉ còn mình sống sót. Sĩ quan này liền rút chiếc kèn túi ra và thổi một hành khúc, cho đến khi bị thương bởi một quả lựu đạn của địch.
Lính Đức cho rằng "Jack Điên" có thể là họ hàng với thủ tướng Anh Winston Churchill nên quyết định bắt sống và đưa ông về Berlin để thẩm vấn. Sau khi nhận ra Churchill không có giá trị tình báo, quân Đức chuyển ông đến trại tập trung Sachsenhausen.
Churchill bị chuyển tới nhiều trại tập trung khác nhau, trước khi trốn thoát và tìm tới một đơn vị Mỹ ở Italy vào năm 1945.
Theo các sử gia, sự sống sót thần kỳ của Churchill qua cuộc chiến tranh được cho là nhờ hành động "điên rồ" của ông hơn là kỹ năng chiến đấu. Bill Millin, một cựu binh trong trận đổ bộ Normandy, cho biết một tù binh Đức khai với ông rằng họ đã không bắn vào người lính vung gươm lao lên bãi biển vì cho rằng Churchill "rõ ràng là người điên".
Sử gia Mike Loades cũng cho rằng dù việc mang gươm vào chiến trường Thế giới II là hành động dũng cảm, nó không mang lại nhiều giá trị về mặt chiến thuật. Người lính thời kỳ này phải bò trườn, cơ động rất nhiều để tìm nơi ẩn nấp, nên thanh gươm lớn có thể là một trở ngại lớn trong quá trình cơ động.
Sau chiến tranh, "Jack Điên" tiếp tục tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau ở Myanmar, Palestine và Australia, trước khi trở về Anh làm công việc hành chính trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu năm 1959. Ông qua đời ở tuổi 89.