1. Khi cậu bé ném quả cầu tuyết vào mắt ông già, sự việc như sau:
Garônê đưa Garôpphi ra và ôm đỡ anh như một bệnh nhân. Trông thấy, công chúng hiểu ngay đó là tội nhân, họ hung hăng kéo đến. Garônê đứng che cho bạn và nói:
- Có phải mười người lớn định đánh một đứa trẻ con không?
Họ đều thôi.
Hai ba người đẩy mạnh anh vào hàng và thét: Phải quỳ xuống xin lỗi! Nhưng, ngay lúc ấy, có hai cánh tay mạnh mẽ nâng anh dậy và một giọng quả quyết buông ra: Thưa các ngài, không được! Đó là ông hiệu trưởng trường tôi: ông đã nhìn rõ tấn kịch ấy.
Đó là truyện 19. Còn truyện 40 như sau:
Sau khi phát phần thưởng cho học sinh, ông đốc học nói: Các con ơi, trước khi ở đây ra về, các con không được quên để lời kính chào và lời cảm ơn những người đã chịu bao nỗi khó nhọc vì các con, những người đã hy sinh tất cả tâm trí cho các con, những người đã sống vì các con và sẽ chết vì các con.
Ông đốc vừa nói vừa chỉ sang chỗ các thầy giáo và cô giáo đứng.
Tôi lại nhớ những mẩu chuyện ấy trong quyển “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis khi đọc tin về cô giáo lớp 1A1 Trường tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) “phê bình các bạn học sinh” vì đến sớm.
Một nền giáo dục nhân văn thì thầy giáo phải bảo vệ học sinh chứ không để cho Sao Đỏ làm việc đó. Và một nền giáo dục tử tế thì cần xây dựng lòng biết ơn của học sinh đối với thầy cô giáo.
Đó là chuyện nước Ý Đại Lợi thời gian rất lâu rồi.
2. Còn ở ta, cả mạng xã hội chửi cô giáo. Dư luận chửi ngành giáo dục của ông Nhạ. Chửi là đúng nhưng có ích gì không?
Giáo dục vừa là “đầu vào” của cả hệ thống xã hội nhưng cũng chịu áp lực của chính cái hệ thống đó. Xã hội đảo điên thì giáo dục liệu có tử tế? Một xã hội mà Đô đốc Hải quân đi làm kinh tế dù không có chút kiến thức nào. Một xã hội mà tướng Công an bao che cho trùm tội phạm. Ông Bộ trưởng vừa lên giọng giáo huấn “truyền thông bẩn”, tay phải viết sách về chống tự diễn biến, tay trái nhận vài trăm ngàn USD của doanh nghiệp…
Thì làm sao ngành giáo dục sạch được. Cô giáo cũng phải mua thịt “chỉ giảm trên tivi”. Cô giáo cũng phải đóng phí BOT tăng sau dịch Covid nếu đề nghị của bộ trưởng Thể thành hiện thực. Lãnh đạo trường muốn ngồi đó có khi cũng phải có tí quà chỗ này chỗ kia. Rồi cô giáo nhiều nơi con bị trưng dụng đi tiếp rượu.
Sao mà có thể an tâm truyền thụ kiến thức, chăm lo cho học sinh?
3. Có nhiều người bạn của tôi cho rằng, nhà trường chỉ đóng mở cửa đúng giờ. Các việc khác không quan tâm. Nhưng làm sao lại biến nhà trường thành pháo đài, thành trụ sở công quyền với những viên chức vô cảm “đóng-mở đúng giờ”. Tại sao nhà trường lại thành chốn xa lạ với phụ huynh và học sinh?
Nhà trường không thể và không nên trở thành cơ quan Nhà nước với biên chế, ngạch bậc, viên chức, bậc lương. Với cấp trên cấp dưới. Với luồn lách, bợ đỡ. Với gian giảo, tham lam…
Nhà trường chỉ là nơi các thầy cô truyền thụ kiến thức cũng như lan tỏa tính nhân văn, lòng yêu thương con người cho học trò. Và từ đó những giá trị này lan tỏa trong xã hội.
Còn ngược lại, xã hội vẫn cứ đảo điên với lối ứng xử hoang dã. Và chúng ta lại lôi ông Nhạ ra chửi dù ông Nhạ chỉ tại vị 5 năm (tất nhiên 5 năm đó, nền giáo dục vẫn giậm chân tại chỗ mà thôi).
Xin kết thúc bằng lời bà mẹ trong câu chuyện ở phần đầu:
Enricô ơi! Trường học ví như người mẹ, người mẹ đã dứt con ở tay ta khi con nói chưa sõi để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh tử tế và siêng năng. Này con! Con đừng quen vị ân nhân ấy, con ơi! Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở.