TS. BS Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: ‘Huyết áp ở người vào mùa đông thường tăng hơn so với mùa hè khoảng 5 – 10 mmHg (kể cả ở những người không có bệnh lý về tim mạch, huyết áp).
Vì vậy, nhiều người dù tiền sử không có bệnh lý tăng huyết áp nhưng đến những ngày đông lạnh giá, nếu không giữ ấm cơ thể huyết áp có thể tăng lên 140 – 150 mmHg và gây ra đau đầu, chóng mặt, khó chịu… Thậm chí, nó là nguyên nhân dẫn đến đột tử của không ít trường hợp đáng tiếc trong mùa đông năm nay…
Gần 600 lượt bệnh nhân thăm khám bệnh/ ngày mùa đông
Trao đổi với Gia Đình Mới, TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: 'Thực tế thăm khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội (cơ sở 2 đóng tại đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Tp.Hà Nội) những ngày này cho thấy, số bệnh nhân đến khám gia tăng đột biến trong những ngày đông lạnh.
Chỉ riêng tại khoa khám bệnh, cao điểm lên đến gần 600 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Số lượng này tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước và cao hơn hẳn các thời điểm khác trong năm, nhất là vào những ngày rét đậm gần đây. Mọi người đi khám đều chung biểu hiện ban đầu: đau tức ngực, đau đầu, chóng mặt…'.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh lý về tim mạch trong những ngày đông lạnh, thưa TS?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Ngoài nguyên nhân là do lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu, bia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng, kèm theo lối sống ít vận động khiến người trẻ tuổi dễ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao…, thì còn có nguyên nhân đặc biệt nữa là do thời tiết.
Mùa đông năm nay, thời tiết giá lạnh kéo dài khiến tình trạng những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới đột quỵ.
Có một mối liên hệ giữa sự thay đổi thời tiết với bệnh lý tim mạch là vào mùa lạnh, cơ thể con người tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi). Do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não.
Cùng với đó, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Tình trạng co mạch làm lượng máu trở về tim tăng lên, dẫn đến huyết áp tăng lên, co thắt các mạch vành. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân có triệu chứng đau tức ngực khi không giữ ấm cơ thể, giữ ấm tay chân. Kể cả những người trẻ tuổi, trong những ngày mưa bụi lâm thâm, nhiệt độ hạ xuống lạnh, nếu không giữ ấm sẽ bị tê bì tay chân, đau tức ngực, huyết áp tăng…
Trẻ hóa độ tuổi và gia tăng nữ giới mắc bệnh tăng huyết áp
Ngoài lượng bệnh nhân đến khám tăng mạnh, theo bác sĩ thời gian này còn có sự khác thường nào nữa?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Có, nếu như mùa đông năm ngoái, số bệnh nhân đến khám là người cao tuổi, thì năm nay, bệnh này có xu hướng trẻ hóa khi mà có khá nhiều người ở độ tuổi trên dưới 40 tuổi phải nhập viện thăm khám.
Một điểm khác so với mùa đông năm ngoái là: số lượng bệnh nhân nữ tăng lên. Trước đây, bệnh nhân nam đi khám các bệnh lý về tim mạch nhiều hơn nữ, nhưng năm nay, số lượng các cụ bà và những phụ nữ trung niên đến khám do thấy tức ngực, chóng mặt, tê tay chân… gia tăng. Có những người đến viện với những biến chứng nặng như suy tim, viêm phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Huyết áp mùa đông tăng hơn so với mùa hè, kể cả ở những người không có bệnh lý về tim mạch, huyết áp. Chỉ số huyết áp trong mùa đông thường tăng hơn so với mùa hè khoảng 5 – 10 mmHg.
Vì vậy nhiều người không có bệnh lý tăng huyết áp, đến những ngày đông lạnh giá, nếu không giữ ấm cơ thể huyết áp có thể tăng lên 140 – 150 mmHg và gây ra đau đầu, chóng mặt, khó chịu… Thực tế có nhiều người phải đến viện khám và tầm soát huyết áp vì chỉ số huyết áp tự dưng tăng vụt trong mùa đông.
Với những người bị bệnh tim mạch từ trước thì cảm giác đau tức ngực thường dữ dội hơn khi thời tiết chuyển lạnh. Những người bị huyết áp từ trước mà không điều trị, theo dõi thường xuyên, mặc dù trước đó đã điều trị tốt thì huyết áp vẫn có thể bùng phát nếu họ không biết giữ ấm cơ thể.
Tôi đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng huyết áp rất là cao 180 – 200 mmHg trên nền bệnh nhân đã dùng thuốc.
Các bác sĩ tim mạch chúng tôi vẫn thường khuyên người bệnh ghi nhớ chỉ số huyết áp như ghi nhớ số tuổi của mình để theo dõi những diễn biến bất thường của cơ thể.
Việc không phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp sẽ gây nguy hiểm thế nào, thưa bác sĩ?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Có nhiều bệnh nhân trước đó không phát hiện được bệnh và phải đi cấp cứu vì tăng huyết áp, trong đó có nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim và thậm chí đột tử vì không phát hiện bệnh sớm.
Gần đây nhất, tôi có gặp một trường hợp con một bác bệnh nhân mà tôi đang điều trị bệnh. Anh ấy khoảng 40 tuổi, hàng tháng vẫn đang đưa mẹ tới Bệnh viện Tim Hà Nội để khám và điều trị tăng huyết áp. Tháng trước, lúc anh đưa mẹ đến tái khám, anh có than với tôi trong người khó chịu. Tôi bảo với anh để tôi khám kiểm tra giúp xem có vấn đề sức khỏe gì không. Nhưng anh ấy lại từ chối và bảo để tháng sau đi đăng ký khám sức khỏe một thể, bây giờ đang bận nên không thăm khám sức khỏe ngay được.
Hơn nữa, một phần anh ấy chủ quan vì thấy mình trẻ khỏe, từ trước đến nay không mắc bệnh lý gì, vậy nên bỏ qua những triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, hơi đau đầu…
Một tháng sau, bà mẹ đến chỗ tôi khám bệnh đã khóc và kể với tôi rằng, 10 ngày sau khi nói chuyện với tôi, anh ấy đã bị đột tử sau 1 lần uống rượu.
Điều này làm tôi suy đoán, anh ấy chắc chắn có một bệnh lý tiềm tàng trước mà không biết và chủ quan với sức khỏe nên gặp phải tình huống không may mắn như vậy. Nghe tôi nói như vậy bà mẹ đã khuyên các con mình đi khám và các con của bà đều bị tăng huyết áp.
Từ câu chuyện thương tâm của người bệnh này, tôi muốn khuyến cáo mọi người rằng, người bị tăng huyết áp nếu gặp thời tiết lạnh, kèm theo uống rượu sẽ rất dễ bị đột quỵ, thậm chí gây đột tử.
Nhiều người thường cho rằng những trường hợp như bác sĩ kể trên là cảm gió, cách hiểu như vậy có đúng không? Khi gặp người thân bị như vậy nên xử lý thế nào, thưa bác sĩ?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Có nhiều người dân gọi những trường hợp như tôi nói là cảm gió, phải cảm. Nhưng thực chất đây lại là một dạng biến chứng tim mạch, có thể là bị tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
Khi có biến chứng tim mạch xảy ra, lý tưởng nhất vẫn là gọi xe cấp cứu, nhưng nếu ở những vùng sâu, vùng xa, khó gọi cấp cứu thì cần tìm cách đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Không nên tự ý điều trị tại nhà hay điều trị theo các cách dân gian truyền miệng như đánh gió, giải cảm, chích máu đầu ngón tay… vì đều không có tác dụng cứu người bệnh mà còn làm bệnh tình nặng hơn và làm chậm trễ quá trình điều trị bệnh.
Trong thời điểm đó, nếu có biến chứng nhồi máu cơ tim thì sẽ được can thiệp, hoặc tắc mạch máu não sẽ được kịp thời hút huyết khối, dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc tràn máu não sẽ dùng biện pháp dẫn lưu…
Rất nhiều người bỏ qua thời điểm vàng, chần chừ ở nhà lâu dẫn đến không cứu chữa được, hoặc có thể cứu được tính mạng người bệnh nhưng di chứng để lại rất nặng nề.
Xin bác sĩ cho biết những đối tượng nào dễ mắc các tai biến tim mạch?
TS. BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Có 2 nhóm đối tượng dễ mắc các tai biến tim mạch. Thứ nhất là những bệnh nhân đã biết bị bệnh lý tim mạch nhưng không tuân thủ trong dùng thuốc và không đi khám định kỳ thì dễ bị nguy hiểm.
Vì trên nền bệnh lý tim mạch đã có, biết nhưng cứ nghĩ hôm nay tôi ổn rồi, uống thuốc 1 lần cứ tưởng là khỏi, nhưng bệnh lý tim mạch là bệnh mạn tính, phải uống thuốc cả đời và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nếu không dễ bị biến chứng nặng.
Nhóm thứ hai là những người không biết mình bị bệnh tim mạch và không điều trị gì vì chủ quan, mặc không đủ ấm. Nhóm này hay gặp ở những người trẻ tuổi. Những người không đi kiểm tra sức khỏe bao giờ và không biết mình bị bệnh cũng rất dễ bị tai biến tim mạch và lúc bị thường rất nặng.
Do đó, trong mùa đông lạnh, khi có bất kỳ các biểu hiện lạ nào của cơ thể như đau đầu, chóng mặt, đau ngực… thì nên đi kiểm tra sức khỏe, dù là người trẻ hay người cao tuổi.
Ngoài ra, cũng cần kể đến những người đang điều trị bệnh tim mạch nhưng có những biến đổi mà không đến kiểm tra ngay, khi thấy có những bất thường thì tự điều chỉnh thuốc ở nhà và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bệnh lý tim mạch trên những người có tiền sử đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, béo phì, lối sống ít vận động… thì sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn và nặng nề hơn.
Thay đổi lối sống trong mùa đông giúp phòng ngừa tai biến tim mạch
Lời khuyên của bác sĩ để mọi người có thể giữ trái tim khỏe mạnh trong mùa đông là gì?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Tôi vẫn khuyên bệnh nhân cũng như tất cả mọi người là cần giữ ấm cơ thể trong mùa đông, nhất là thời điểm nửa đêm và sáng sớm để tránh đột quỵ.
Với những người phải ra đường, cần bịt khăn, khẩu trang, giữ ấm đầu, cổ, chân tay… Khi tắm thì tốt nhất là tắm nước ấm và lý tưởng nhất là có máy sưởi, đèn sưởi trong lúc tắm. Có thể tập thể dục trong nhà thay vì ra ngoài trời tập thể dục trong thời tiết lạnh giá.
Thay đổi lối sống bằng cách bỏ thuốc lá, rượu bia, duy trì tập luyện nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, tăng cường dinh dưỡng trong mùa đông để cơ thể có đủ năng lượng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Trẻ nhỏ thì không nên ra ngoài chơi khi thời tiết lạnh, nhất là với trẻ bị bệnh tim thì nên chơi ở trong nhà.
Trẻ nhỏ bị tim bẩm sinh có đề kháng kém nên càng cần giữ ấm cơ thể cho bé, vệ sinh mũi họng, tăng dinh dưỡng cho trẻ trong mùa đông để tăng sức đề kháng. Và không được quên tái khám định kỳ cho trẻ để có bất kỳ thay đổi hay biến chứng gì thì có thể điều trị kịp thời.
Như bác sĩ có nói, thể dục đều đặn có thể phòng ngừa bệnh tim mạch, nhưng đi thể dục từ sáng sớm trong mùa đông lạnh liệu có tốt?
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: Tôi đã nói ở trên, thời điểm sáng sớm mùa đông cần phải giữ ấm cơ thể. Bởi, bệnh nhân tăng huyết áp thường có cơn tăng huyết áp vào sáng sớm. Sáng ngủ dậy mặc không đủ ấm, lại đang bị tăng huyết áp thì rất dễ xảy ra tai biến.
Thời điểm sáng sớm, những ngày rét đậm, người cao tuổi không nên ra ngoài thể dục vào sáng sớm, có thể đi thể dục muộn hơn hoặc thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Với những người có sẵn bệnh lý tim mạch, khi tỉnh dậy không ngồi bật ngay dậy mà phải ngồi dậy từ từ, hoạt động chân tay trước khi ra khỏi chăn ấm.
Một điều tôi cần lưu ý cho bệnh nhân tim mạch vào sáng sớm là nên để sẵn máy đo huyết áp và thuốc huyết áp ở đầu giường. Lúc ngủ dậy nên đo huyết áp, nếu thấy huyết áp tăng cao thì uống thuốc ngay và theo dõi. Sau khi uống thuốc mà huyết áp không giảm thì cần đến cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám kịp thời.
Uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định, tái khám định kỳ, phải lắng nghe cơ thể mình để thăm khám và điều trị sớm khi có những dấu hiệu bất thường sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!
Theo Gia đình mới