Theo dự thảo, Hà Nội đưa ra nhiều quy định cụ thể về quản lý khai thác vận tải hành khách bằng taxi. Nổi bật là những nội dung: xe taxi phải có niên hạn không quá 8 năm tính từ ngày sản xuất. Màu sơn xe taxi do thành phố quy định, đến năm 2018 thống nhất một màu sơn chung. Từ năm 2019 đến năm 2024, toàn bộ xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung.
Từ 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Toàn bộ xe taxi được sử dụng thay mới phải đảm bảo tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4. Xe phải được lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, lắp các thiết bị phụ trợ như thiết bị trả phí tự động, tìm kiếm điểm đỗ xe thông minh…
Một điểm đáng lưu ý khác trong dự thảo này là việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Vùng phục vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị vận tải được đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách). Sẽ có hai vùng phục vụ: vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố, vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã còn lại của Hà Nội.
Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi trình phương án kinh doanh lên Sở Giao thông Vận tải, trong phương án phải đảm bảo tiêu chí: vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca…
Trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng đã đăng ký tối thiểu 70%. Đồng thời, từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành (đặt/gọi).
Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại...