Các bằng chứng y khoa cho thấy hiện nay số lượng người trẻ tuổi mắc chứng đau tim tăng cao so với một thế kỷ trước, thực trạng này thường được viện dẫn bởi lối sống kém lành mạnh, ít tập thể dục và tiêu thụ đồ ăn nhanh.
Vào cuối tháng 7, Bronny James, 18 tuổi, con trai của ngôi sao bóng rổ người Mỹ LeBron James, đã ngã quỵ trong buổi tập bóng rổ tại Đại học Nam California. James được chẩn đoán mắc chứng tim ngừng đập và xuất viện sau một thời gian ngắn.
Mặc dù ngừng tim khác với đau tim, nhưng các biểu hiện ngày càng phổ biến này đang khiến giới chuyên gia lo ngại về vấn đề sức khỏe tim mạch ở những người trẻ tuổi.
Ron Blankstein, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết: “Những người trẻ tuổi không tránh khỏi tình trạng ngừng tim hoặc đau tim, nhiều người nghĩ rằng đây vẫn là căn bệnh của người lớn tuổi. Người trẻ tuổi cần biết rằng phần lớn bệnh tim mạch có thể được ngăn ngừa nếu thực hiện đúng các bước phòng ngừa”.
Các cơn đau tim gia tăng ở người trẻ tuổi
Chứng ngừng tim, mà Bronny James mắc phải, xảy ra khi tim gặp trục trặc ở hệ thống điện và đột ngột ngừng đập. Điều này khác với đau tim, xảy ra khi máu chảy vào tim bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn.
Vì ngừng tim có thể do một số tình trạng gây ra, chẳng hạn như bệnh cơ tim (cơ tim dày lên), suy tim, rối loạn nhịp tim và đau tim, nên các bác sĩ khó nghiên cứu và xác định xem liệu tình trạng này có trở nên phổ biến hơn ở người trẻ tuổi hay không.
Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng các cơn đau tim, hay còn được biết đến là nhồi máu cơ tim, đang gia tăng ở những người trẻ tuổi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau hoặc khó chịu ở ngực; đau lan vào hàm, cổ, lưng hoặc cánh tay; hụt hơi; và cảm thấy yếu hoặc ngất xỉu.
Một nghiên cứu trên hơn 2.000 thanh niên nhập viện vì đau tim từ năm 2000 đến năm 2016 tại hai bệnh viện ở Mỹ cho thấy cứ 5 người thì có 1 người từ 40 tuổi trở xuống gặp vấn đề về tim.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên Tạp chí Y học Mỹ cũng phát hiện ra rằng những người từ 40 tuổi trở xuống cũng có khả năng tử vong vì đau tim, đột quỵ hoặc lý do khác giống như người cao tuổi.
“Bệnh tim mạch không có ranh giới”, giáo sư Blankstein nói.
Mặc dù các cơn đau tim thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều phụ nữ trẻ bị đau tim hơn so với nam giới trẻ tuổi.
Một cuộc điều tra năm 2018 được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy tỷ lệ nhập viện vì đau tim ở những người từ 35 đến 54 tuổi đã tăng từ 27% trong giai đoạn 1995-99 lên 32% trong giai đoạn 2010-2014. Trong đó số lượng phụ nữ trẻ mắc bệnh tim tăng từ 21% lên 31%, so với nam thanh niên chỉ tăng từ 30% lên 33%.
Eugene Yang, bác sĩ tim mạch và chủ tịch của Đại học Tim mạch Mỹ cho biết: Mặc dù một số tình trạng có thể là do di truyền, nhưng chúng thường do những thói quen không lành mạnh trong nhiều năm như chế độ ăn uống kém và lối sống ít vận động thường bắt đầu từ khi còn nhỏ/
Mặt khác, COVID-19 dường như đã đẩy nhanh số ca mắc chứng đau tim ở người trẻ. Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Virus học Y tế cho thấy các ca tử vong do đau tim đã tăng 14% trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, đặc biệt là ở những người từ 25 đến 44 tuổi.
Bác sĩ Yang cho biết COVID-19 nhiều khả năng đã kích hoạt các phản ứng viêm trong cơ thể và làm cho máu đặc hơn và dính hơn, điều này có thể khiến những người mắc bệnh tim dễ bị đông máu hơn, có thể làm tắc nghẽn động mạch và dẫn đến đau tim. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao những người trẻ tuổi dường như dễ bị biến chứng tim mạch hơn do COVID-19.
Các yếu tố khác như thói quen sử dụng thuốc lá, cocaine, cần sa và rượu cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim ở người trẻ tuổi.
Ông John Wilkins, phó giáo sư y khoa về tim mạch tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, khuyến cáo: “Tuổi trẻ là khoảng thời gian để ngăn ngừa bệnh tim mạch, vốn đi đôi với sức khỏe tổng thể. Càng giúp người trẻ sớm nhận thức được vấn đề, họ càng có cơ hội sống lâu hơn”.