Trên thế giới cứ một phút có 3 người chết vì ung thư phổi. Nó là nguyên nhân của gần 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn tổng số ca chết do ung thư vú, đại trực tràng, tiền liệt tuyến.
Theo phó giáo sư Rafael Molina Porto, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học Quốc tế, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến trên thế giới, đang có xu hướng tăng, tỷ lệ tử vong rất cao. Trong số 5 bệnh nhân tử vong do ung thư thì có một người ung thư phổi.
Xu hướng này cũng tương tự tại Việt Nam. Mỗi năm nước ta có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi thì có đến 19.500 người tử vong vì căn bệnh này. Bệnh được chẩn đoán muộn là rào cản lớn nhất cho quá trình điều trị, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Biểu hiện sớm của bệnh thường không rõ ràng như tức ngực, ho ra máu, thở gấp, khó thở, ho kéo dài. Những biểu hiện này có thể gặp ở nhiều bệnh thông thường khác. Hậu quả là có đến 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện muộn dẫn đến việc điều trị rất khó khăn. Khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi rất thấp, chỉ 18% so với 91% đối với bệnh nhân ung thư vú.
Với ung thư phổi, phòng bệnh là quan trọng nhất. Bên cạnh đó cần phải chẩn đoán sớm. Biện pháp chẩn đoán tốt nhất hiện nay là chụp CT song nhiều kết quả dương tính giả, chi phí lớn, sàng lọc chụp hàng năm rất tốn kém. Người bệnh có thể sàng lọc bằng cách xét nghiệm tìm các chất chỉ điểm khối u giúp chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm. Đây là những chất do tế bào sản sinh ra, bình thường nồng độ thấp nhưng khi xuất hiện khối u các chất này có lượng rất lớn trong máu.
“Kết hợp nhiều chỉ dấu trong sàng lọc ung thư phổi, độ đặc hiệu có thể lên đến 80%, chỉ bỏ sót 20%. Vì thế để tránh chẩn đoán nhầm, những trường hợp nghi ngờ sẽ làm thêm xét nghiệm lần 2, độ đặc hiệu lên đến 99%”, giáo sư Rafael Molina phân tích.
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu. |
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, định lượng các chất chỉ điểm khối u có thể là một lựa chọn sàng lọc ung thư phổi với giá thành thấp, kết quả cao. Tuy nhiên cần lưu ý không phải cứ có chất chỉ điểm khối u là bạn bị ung thư.
Theo giáo sư Khoa, ung thư phổi có các dấu ấn gồm: CEA, CYFRA21, NSE, ProGRP, SCC. Đây là các xét nghiệm máu hầu hết bệnh viện trung ương và tỉnh đều có thể làm được. Những người trong nhóm nguy cơ cao có thể xét nghiệm tìm các dấu ấn trên kết hợp với chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT) định kỳ. Sau xét nghiệm, để chẩn đoán chính xác có bị ung thư không thì cần phải làm sinh thiết.
Nhóm nguy cơ cao gồm người hút thuốc, hút thuốc thụ động, gia đình có người bị ung thư phổi, làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc với các chất gây ung thư, ô nhiễm không khí ở thành thị… Các dấu ấn ung thư phổi này cũng giúp theo dõi tái phát sau điều trị, đánh giá hiệu quả điều trị.