Học sinh liên tiếp đánh nhau
Mới đây, cuối tháng 10/2016, một đoạn clip dài hơn 2 phút được đăng tải trên mạng ghi lại hình ảnh nhóm nam sinh Hải Dương đánh đập “hội đồng” một nam sinh khiến em này tím tái, khóc lóc van xin. Chưa hết, một trong số nam sinh hùng hổ đánh bạn còn tè bậy trước mặt nạn nhân khiến nhiều người phẫn nộ. Ngay sau vài giờ đăng tải, clip đã thu hút hàng nghìn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ trên các trang thông tin mạng. Trong clip, người ta thấy có xe máy chở hai người lớn vọt qua, nhưng không người nào quan tâm hay dừng chân đứng lại can ngăn.
Hình ảnh học sinh đánh nhau cắt ra từ một clip trên mạng |
Trước đó, một clip dài khoảng 35 giây ghi lại cảnh hai nữ sinh đánh nhau ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Những học sinh trong chiếc áo trắng không chỉ thượng cẳng tay hạ cẳng chân mà còn luôn miệng chửi bới, văng tục giữa đường.
Những clip đánh nhau của học sinh trường chuyên TP Lạng Sơn hay học sinh THPT Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng… cũng khiến cộng đồng mạng giật mình sợ hãi. Chẳng ai có thể tưởng tượng được cảnh những học sinh chưa rời ghế nhà trường không ngần ngại dùng tay tát liên tiếp vào mặt bạn, hoặc sỉ nhục bạn bằng những câu nói xúc phạm khủng khiếp. Nhưng hầu hết, trong các clip này, người lớn đi qua và để mặc học sinh hành xử với nhau như không hề có chuyện gì xảy ra.
Người dưng qua đường vô cảm đã đành. Nhiều cha mẹ trong nhà cũng vì mưu sinh, chăm lo kinh tế mà không chú ý đến sự thay đổi tâm sinh lý của con mình. Đó là một trong hàng trăm lý do mà nhiều phụ huynh phớt lờ yêu cầu của nhà trường khi được mời vào trường giải quyết việc con em mình đánh nhau với bạn. Sau những nguyên nhân này thì bao giờ cũng là những bao biện quen thuộc: "Cháu hiền lắm, ngoan lắm, ở nhà không nói lớn tiếng, không chửi thề, không đánh em"... Nhưng khi được nhà trường hỏi tiếp tục, rằng hằng ngày phụ huynh gặp con em mình khi nào? Lúc đó, những phụ huynh này mới ngắc ngứ thú nhận: "Hôm nào sớm thì 7-8 giờ tối, hôm nào muộn hơn thì 9-10 giờ!".
Cá biệt, có những phụ huynh làm việc ngoài tỉnh, chỉ có thể gặp con vào 2 ngày cuối tuần... Mọi sự trong nhà và chuyện học hành, sinh hoạt của con đều cậy nhờ ông bà, chú bác hoặc người giúp việc.
Dạy kiến thức phải đi kèm giáo dục nhân cách
TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các em có quá nhiều lý do để đánh nhau nếu một khi ở trường lớp không có hoạt động xã hội gì, các em không được hoạt động thể dục thể thao nên năng lượng tích tụ. Một khi không có các hoạt động thể thao, hoạt động xã hội, các em chỉ biết tập trung học và quan hệ bạn bè nên có thể nói đối với một số em, khi việc học chán chường, bạn bè sẽ có giá trị cao nhất. Khi mối quan hệ với bạn bè bị ảnh hưởng bởi một lý do nào đó, sẽ dẫn đến việc bạo lực.
Cha mẹ nên gần gũi hơn với con trẻ để nắm bắt kịp thời những thay đổi tâm tính, sinh lý tuổi mới lớn |
Thứ hai, hiện nhiều gia đình vẫn quan niệm tình cảm yêu đương là việc làm rất xấu với các em. Thay vì quan tâm, chia sẻ với con cái, nhiều gia đình phản ứng rất quyết liệt và bực bội. Nhiều học sinh không được chia sẻ từ bố mẹ nên các em không biết làm sao vượt qua và cuối cùng là... tự tìm cách giải quyết theo cách của mình.
Thứ ba, phương pháp dạy học ở nhiều trường, mặc dù chúng ta cho rằng phải thoải mái và gần gũi hơn với học sinh nhưng thực chất vẫn rất bảo thủ. Học sinh thiếu các hoạt động xã hội bên ngoài, ít được tìm hiểu cuộc sống nên các em bức bách và chịu áp lực tinh thần cao độ.
“Điều tôi muốn nói cuối cùng là nhiều gia đình và nhà trường chỉ quan tâm đến dạy chữ mà không quan tâm đến đạo đức. Gia đình và nhà trường cần có những thay đổi tích cực, gần gũi hơn với các em để giúp các em vượt qua những mất cân bằng của tuổi mới lớn” - TS Hương nói.
Giáo dục của chúng ta đã xác định 3 chủ thể rất rõ, đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Để có kết quả hoàn thiện phương châm giáo dục của chúng ta là phải phát huy vai trò của cả 3 chủ thể đó. Tuy nhiên, vai trò của gia đình cũng rất là quan trọng vì ngoài thời gian lên lớp, trẻ ở nhà được bố mẹ quan tâm, để ý, chăm sóc, cho nên những thay đổi nhỏ từ phía các em sẽ được kịp thời phát hiện và uốn nắn ngay.
Tại phiên thảo luận ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội đã bàn rất nhiều về việc xử lý hình sự đối với trẻ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tôi nghĩ rằng, trong buổi tranh luận này, rất nhiều đại biểu có cùng quan điểm là trong điều kiện số lượng các vụ phạm tội của trẻ em ngày càng gia tăng như hiện nay cần phải có những quy định cụ thể để điều chỉnh. Tôi ủng hộ quan điểm sử dụng các biện pháp giáo dục là chính, nhưng có những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng phải có hình thức xử lý thích đáng để răn đe, để phòng ngừa các trường hợp khác.