Vì sao dơi trở thành vật chủ lý tưởng cho virus gây dịch bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dựa trên những phát hiện về nguồn gốc gây bệnh từ động vật sang người của virus SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Reuters đã đưa ra những lý do tại sao dơi lại trở thành vật chủ lý tưởng cho các loại virus gây bệnh.

Các nhà khoa học cho rằng, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm mới có thể tăng nhanh, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi sự tương tác giữa con người và động vật diễn ra ngày càng nhiều.

Những thay đổi trong môi trường đang khiến các loài động vật phải tìm môi trường sống mới, cho phép chúng trộn lẫn với các loài khác hoặc vật chủ tiềm năng.

Những thay đổi đó, kết hợp với sự tương tác nhiều hơn của con người với động vật khi con người khám phá trong rừng đã làm tăng cơ hội xuất hiện của những loại virus độc hại.

Đối với kiểu lan truyền virus này, mầm bệnh ở một loài động vật có thể lây nhiễm sang loài khác và có khả năng gây ra một căn bệnh mới, điều dường như đã xảy ra ở Trung Quốc với virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19.

Vì sao dơi trở thành vật chủ lý tưởng cho virus gây dịch bệnh? ảnh 1
Ảnh minh họa: Reuters

Các căn bệnh do động vật gây ra, do mầm bệnh lây lan giữa động vật và người, có thể là vấn đề khó giải quyết vì hệ thống miễn dịch của con người chưa phát triển để chống lại kiểu lây nhiễm này.

Vật chủ thường không xuất hiện triệu chứng mặc dù mang mầm bệnh do vật chủ và mầm bệnh thường thích nghi tốt với nhau. Tuy nhiên, khi những mầm bệnh này, chẳng hạn như virus, vi khuẩn hoặc vi sinh vật gây bệnh, lan truyền từ động vật sang con người thì tác động có thể rất tàn khốc.

Mọi sự tập trung một lần nữa dồn về loài dơi khi chúng được cho là vật chủ ban đầu của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Các nghiên cứu về sinh học phân tử đã chứng minh rằng, dơi là “nơi ẩn náu” tự nhiên cho nhiều loại virus, trong đó một số loại đã khiến bùng phát dịch bệnh.

Nhiều loại virus từng gây chết người có nguồn gốc từ loài dơi, bao gồm cả đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi. Nipah, loại virus cũng do dơi làm vật chủ, đã gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh trên khắp Đông Nam Á và có “khả năng gây dịch bệnh nghiêm trọng”, theo các chuyên gia y tế toàn cầu và bệnh truyền nhiễm.

Họ của virus SARS-CoV-2 cũng gây ra các bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, SARS và MERS là do virus có nguồn gốc từ dơi gây ra với các động vật khác đóng vai trò là vật chủ trung gian.

Lý do dơi là vật chủ lý tưởng cho virus gây dịch bệnh

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), dơi là thuộc nhóm động vật có vú biết bay, với hơn 1.300 loài thuộc 20 họ. Chúng chiếm khoảng 20% ​​tổng số các loài động vật có vú và có mặt ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Bắc Cực, Nam Cực và một vài hòn đảo trên đại dương.

Dơi xuất hiện lần đầu tiên trong hồ sơ hóa thạch khoảng 50 triệu năm trước và đại diện cho nhóm động vật có xương sống biết bay thứ ba trong lịch sử Trái đất, sau loài bò sát biết bay là thằn lằn có cánh và chim.

Nhóm động vật khác duy nhất có thể chứa nhiều virus hơn là loài gặm nhấm, nhóm động vật có vú đa dạng nhất. Có khoảng 2.300 loài gặm nhấm thuộc 33 họ, chiếm khoảng 40% tổng số động vật có vú. Các loài gặm nhấm được cho là nhóm động vật chứa nhiều virus hơn nhưng dơi là loài chứa nhiều virus hơn.

Sự đa dạng của cả hai nhóm động vật đã được các nhà khoa học coi là một cơ chế có thể thúc đẩy sự đa dạng của virus do số lượng loài lớn hơn có thể tạo ra nhiều môi trường thích hợp hơn cho virus.

Một số loài dơi đậu trong rừng trong khi những loài khác sinh sống trong hang động. Hầu hết các loài dơi ăn côn trùng như bọ cánh cứng, bướm đêm và muỗi. Một số loài dơi ăn trái cây, mật hoa, hạt và phấn hoa trong khi những loài khác ăn các động vật nhỏ như chim, cá, ếch và thằn lằn.

Loài dơi nhỏ nhất là dơi mũi heo Kitti dài khoảng 3cm và loài dơi lớn nhất là dơi quạ, có thể dài đến khoảng 45cm.

Dưới đây là một số yếu tố lý giải tại sao dơi trở thành vật chủ lý tưởng cho virus gây bệnh.

Tuổi thọ

Ngoài sự đa dạng về loài, những đặc điểm khác khiến dơi thích hợp làm vật chủ của virus bao gồm kích thước và tuổi thọ của chúng.

Dơi có tuổi thọ tương đối dài so với kích thước cơ thể, điều này có thể khiến virus dễ dàng tồn tại vì các bệnh nhiễm trùng mạn tính thường phổ biến hơn.

Di cư & ngủ đông

Khi các loài dơi với số lượng lớn di cư hoặc ngủ đông, điều này làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh. Bên cạnh đó, các thành viên của một số loài dơi thường sống cùng nhau trong một cộng đồng lớn với các đàn gần nhau ở các địa điểm như hang động.

Là loài động vật biết bay

Dơi là loài động vật có vú duy nhất có khả năng bay. Để có thể bay, dơi thường xuyên trao đổi chất và trao đổi năng lượng. Điều này khiến nhiệt độ cơ thể của dơi tăng cao, tương tự như triệu chứng sốt ở người xảy ra trong quá trình phản ứng miễn dịch. Điều này có nghĩa là một số loại virus mà dơi làm vật chủ đã thích nghi để có thể chịu được nhiệt độ cao hơn.

Dơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái

Theo Reuters, loài dơi mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái. Một số loài dơi đóng vai trò quan trọng như thụ phấn cho cây và phân tán hạt giống. Dơi có thể thụ phấn cho hơn 500 loài thực vật bao gồm bơ, chuối, chà là và xoài.

Ở Đông Nam Á, sầu riêng, một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ có thể thụ phấn hiệu quả nhờ dơi ăn quả lưỡi dài. Một số loài dơi đóng vai trò quan trọng trong việc phân tán hạt giống và phục hồi rừng.

Dơi ăn côn trùng cũng đóng vai trò kiểm soát sinh học tự nhiên đối với côn trùng khi chúng có thể tiêu thụ hàng triệu con côn trùng vào ban đêm, bao gồm cả một số loài gây hại cho cây trồng.

Bảo tồn loài dơi

Hơn 200 loài dơi (chiếm khoảng 15%) ở 60 quốc gia được cho là có nguy cơ bị tuyệt chủng và hơn 20 loài đang rơi vào tình trạng nguy cấp. Ngoài ra, có 8 loài dơi được ghi nhận là đã tuyệt chủng. Sự suy giảm của loài dơi không phải là vấn đề của riêng khu vực nào mà là vấn đề trên toàn cầu.

Có gần 250 loài dơi được phân loại là loài thiếu dữ liệu (nhóm này có hoặc không đạt các tiêu chí như loài nguy cấp, loài sắp bị đe dọa-ND), chiếm khoảng 19%, một tỷ lệ khá cao khi so sánh với các loài động vật có vú khác (chiếm khoảng 13%) hoặc chim (1%). Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều loài dơi chưa được biết đến để có thể đánh giá tình trạng của chúng.

Các mối đe dọa như mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và buôn bán động vật hoang dã là những yếu tố dẫn đến tình trạng mất đa dạng sinh học. Chẳng hạn, hàng chục nghìn con dơi quạ ở Australia và Nam Á đã chết vì những đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Theo VOV
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).