Ngay lập tức, gần như vô hình trong bóng tối, một con dơi phát ra những tiếng rít the thé khi đôi cánh của nó bị vào tấm lưới mỏng đã giăng kín. Một người nhanh tay tóm lấy con dơi, khéo léo không để nó cắn vào tay.
Những cuộc "săn dơi" này là một phần của dự án tại Viện Fiocruz của Brazil nhằm thu thập và nghiên cứu các loại virus có trong cơ thể động vật hoang dã, mà nhiều nhà khoa học tin rằng có liên quan đến sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Mục tiêu hiện tại là xác định các loại virus khác có tỷ lệ lây lan cao và gây chết người, cũng như sử dụng thông tin đó để đưa ra kế hoạch ngăn chặn chúng lây nhiễm sang người.
Trong một thế giới có tính kết nối cao, một điểm bùng phát dịch bệnh có nguy cơ ảnh hưởng tới toàn cầu. Đội nghiên cứu dơi ở Brazil chỉ là một trong số rất nhiều nhóm trên toàn thế giới đang nỗ lực để giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch thứ hai trong thế kỷ này.
Một con dơi ăn quả được các nhà khoa học bắt giữ tại công viên Pedra Branca. |
Theo Tiến sĩ Gagandeep Kang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Christian tại Vellore, miền nam Ấn Độ, vấn đề không phải là nếu mà là khi nào.
Một nghiên cứu trước đây cho thấy Ấn Độ là một trong những nơi có nhiều khả năng xảy ra một đợt bùng phát dịch bệnh tương tự COVID-19, do mật độ dân số và sự xâm nhập ngày càng tăng của con người và gia súc vào các khu rừng nhiệt đới rậm rạp đầy động vật hoang dã.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học đang tập trung sự chú ý vào loài động vật có vú biết bay duy nhất trên thế giới, chính là loài dơi.
Dơi được cho là vật chủ ban đầu hoặc vật chủ trung gian cho nhiều loại virus đã gây ra các đại dịch gần đây, bao gồm COVID-19, SARS, MERS, Ebola,...Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy virus có nguồn gốc từ năm nguồn động vật có vú phổ biến nhất - động vật linh trưởng, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt, động vật móng guốc và dơi - những virus từ dơi là loại độc nhất ở người.
Dơi là một nhóm đa dạng, với hơn 1.400 loài di cư khắp các châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Nhưng điểm chung của nhiều loài là khả năng thích nghi cho phép chúng mang virus gây chết người và gia súc trong khi chỉ biểu hiện các triệu chứng tối thiểu - nghĩa là chúng có thể di chuyển và lây truyền mầm bệnh.
Raina Plowright, một nhà dịch tễ học nghiên cứu về loài dơi tại Đại học bang Montana (Mỹ) cho biết: “Bí mật là loài dơi có hệ thống miễn dịch khác thường và điều đó liên quan đến khả năng bay của chúng".
Plowright cho biết, để dơi cất cánh và duy trì chuyến bay cần một lượng năng lượng đáng kinh ngạc, với tốc độ trao đổi chất tăng gấp 16 lần."Tất cả các hoạt động trao đổi chất đó sẽ gây tổn thương lên cơ thể con người", Plowright chỉ ra.
Nhưng điều đó không xảy ra ở loài dơi. Thay vào đó, chúng có khả năng phục hồi đáng kể, với nhiều loài sống hơn 30 năm - điều rất bất thường đối với các loài động vật có vú nhỏ như vậy.
Plowright và các nhà khoa học về dơi khác tin rằng những lần tiến hóa giúp dơi phục hồi và tăng khả năng miễn dịch với các mầm bệnh.
Theo Arinjay Banerjee, một nhà virus học tại Đại học McMaster (Canada), lợi ích phụ của việc bay giúp dơi có khả năng chống chọi với một số loại virus nguy hiểm nhất.
"Có hai giả thuyết hàng đầu cho rằng dơi có thể đã tiến hóa cơ chế sửa chữa DNA hiệu quả hoặc cơ thể của chúng có thể điều chỉnh chặt chẽ các tác nhân gây viêm và không phản ứng quá mức với các bệnh do virus", ông Banerjee chỉ ra.
Việc làm sáng tỏ bí mật hệ thống miễn dịch của dơi có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về thời điểm dơi phát tán mầm bệnh, cũng như cung cấp gợi ý cho các chiến lược điều trị y tế trong tương lai.
Phá rừng gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Sự phá hủy và chia cắt môi trường sống của động vật hoang dã ngày càng gia tăng trên toàn thế giới - đặc biệt là các khu vực đa dạng sinh học như rừng nhiệt đới, khiến tỷ lệ con người tiếp xúc với các mầm bệnh ngoài hoang dã ngày càng tăng.
Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu Brazil chọn công viên Pedra Branca bởi đây là một trong những khu rừng lớn nhất thế giới trong lòng đô thị, nơi chứng kiến sự tương tác giữa con người, vật nuôi và động vật hoang dã.
Các nhà khoa học Brazil đang nghiên cứu không chỉ dơi mà còn cả các loài linh trưởng nhỏ, mèo rừng và mèo nhà.
Dù các động vật hoang dã như dơi được cho là ẩn chứa nhiều mầm bệnh, nhưng việc tấn công hoặc đuổi chúng khỏi môi trường sống quen thuộc có thể gây tác dụng ngược.
Đầu năm nay, người dân làng ở bang Rajasthan (Ấn Độ) đã xác định được đàn dơi trong các pháo đài và cung điện bị bỏ hoang và giết hàng trăm con dơi bằng gậy. Họ cũng bịt kín một số kẽ hở nơi dơi sinh sống hoặc bắt sống chúng. Ở bang Karnataka, dân làng đã chặt những cây cổ thụ nơi dơi thường trú ngụ.
Một cuộc điều tra của CDC Mỹ và các cơ quan y tế Uganda cho thấy, sau khi cố gắng tiêu diệt những con dơi khỏi một hang động ở Uganda, những con dơi còn lại có mức độ nhiễm virus Marburg (gây sốt xuất huyết) cao hơn. Điều này dẫn đến đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết Marburg nghiêm trọng nhất ở Uganda vào năm 2012.
Vikram Misra, một nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, cho biết: “Căng thẳng là một yếu tố rất lớn làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên mà dơi có với virus của chúng, càng căng thẳng thì dơi càng thải ra nhiều virus hơn".
“Mọi người có rất nhiều quan niệm sai lầm về loài dơi. Chúng sống về đêm và có hơi kỳ lạ. Nhưng dơi không hung dữ và tấn công chúng không giúp kiểm soát dịch bệnh", Hannah Kim Frank, nhà sinh vật học tại Đại học Tulane (Mỹ), chỉ ra.
Dơi cũng đóng những vai trò quan trọng trong hệ sinh thái: chúng tiêu thụ côn trùng như muỗi, thụ phấn cho cây và phân tán hạt giống.
Kristen Lear, một nhà sinh thái học tại tổ chức bảo tồn dơi Bat Conservational International, cho biết: “Chúng ta thực sự cần dơi trong tự nhiên để tiêu thụ côn trùng phá hoại mùa màng".
Ở Bắc Mỹ, một số nhà khoa học ủng hộ việc hạn chế công chúng tiếp cận các hang động nơi dơi trú ngụ.
Kate Langwig, một nhà sinh thái học về bệnh truyền nhiễm tại Virginia Tech cho rằng: “Nên xây dựng các hàng rào trước cửa hang, điều này có thể ngăn con người ra vào mà vẫn cho phép dơi tự do di chuyển. Nếu chúng ta để những con dơi yên và không cố gắng làm tổn thương hoặc tiêu diệt chúng, chúng sẽ khỏe mạnh hơn".
Dơi là nạn nhân
Yếu tố quan trọng nhất khiến dơi tiếp xúc thường xuyên hơn với người và vật nuôi là do môi trường sống bị phá hủy, buộc chúng phải tìm kiếm các bãi kiếm ăn và làm ổ mới.
Vào năm 1994, việc phá hủy trên diện rộng các rừng cây bạch đàn ra hoa vào mùa đông cung cấp mật cho dơi ăn quả tại Australia đã buộc dơi di chuyển đến các khu dân cư.
Từ đó, những con dơi đã truyền một loại virus sang ngựa và lây nhiễm sang người. Loại virus mang tên Hendra, nơi lần đầu ghi nhận các ca bệnh, có khả năng gây chết người rất cao, lên tới 60%.
Một chuỗi sự kiện tương tự cũng diễn ra ở Bangladesh, khi sự tàn phá môi trường sống đã đẩy dơi ăn quả vào các thành phố, nơi chúng lây lan virus Nipah, gây viêm não nặng ở người, bằng cách liếm nhựa cây chà là.
Để ngăn loài dơi di cư, các nhà khoa học Australia cho rằng chỉ còn cách khôi phục lại môi trường sống tự nhiên cho chúng.
“Trong lịch sử COVID-19, dơi là nạn nhân nhiều hơn là thủ phạm. Dơi là nơi trú ngụ của một số lượng lớn ký sinh trùng, và chúng đối phó tốt với những ký sinh trùng này. Vấn đề là khi nào con người tiếp xúc với chúng", Ricardo Moratelli, điều phối viên của dự án Fiocruz ở Brazil, cho biết.