Thế giới hiện có khoảng 3500 loài muỗi, một con số khá khiêm tốn so với gia phả của một họ côn trùng nhưng chúng lại có tác động lớn tới sức khỏe con người, lan truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao như sốt rét, sốt vàng da, sốt xuất huyết dengue và lây lan virus Zika, được cho là nguyên nhân gây dị tật nhỏ đầu ở trẻ sơ sinh.
Ít ai biết, muỗi đã xuất hiện và tồn tại trên Trái đất cách đây khoảng 170 triệu năm trước, các hóa thạch lâu đời nhất của muỗi được xác nhận là vào thời kỷ Phấn trắng - cách đây khoảng 200 triệu năm.
Bên cạnh những tác động đến hệ sinh thái nếu một loài biến mất, "giết toàn bộ muỗi là điều bất khả thi, chuyện này chắc chắn không xảy ra", giám đốc điều hành của chương trình kiểm soát muỗi North Shore Mosquito Abatement District là Roger S. Nasci cho biết. "Không một ai trong giới khoa học ngày nay ảo tưởng về việc xóa sạch muỗi".
Dù các quốc gia nỗ lực như thế nào, vẫn sẽ còn một quần thể muỗi nào đó sót lại rồi phục hồi. Trên thực tế, con người đã nhận những bài học trong quá khứ.
Một số ý kiến cho rằng loài muỗi là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa và nó tồn tại cho tới ngày nay thì vẫn còn có vai trò trong hệ sinh thái. Đầu tiên, muỗi là một phần trong chuỗi thức ăn. Các thiên địch của nó như một số loài chim, dơi,... trứng của muỗi có thể làm thức ăn cho cá, lưỡng cư,... Đặc biệt muỗi cung cấp thức ăn cho quá trình di cư của chim và đây lại là một hoạt động có vai trò trong hệ sinh thái. Mặt khác thì muỗi cũng cung cấp một con đường thụ phấn cho hoa mặc dù nó không phải là loài duy nhất làm chuyện này.
Bởi vậy tận diệt loài muỗi là điều vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học bởi người ta vẫn chưa biết chính xác điều gì sẽ xảy ra khi muỗi biến mất khỏi hành tinh.
Một kế hoạch khác mà không cần tận diệt loài muỗi có thể thực hiện đó là sử dụng muỗi biến đổi gen. Muỗi đực được cấy gen độc hại rồi thả vào tự nhiên khiến quần thể muỗi không thể duy trì nòi giống. Nghiên cứu thử nghiệm tại Brazil và quần đảo Cayman cho thấy 80% muỗi vằn đã biến mất nhờ phương pháp này. Tuy nhiên, nhược điểm của việc sử dụng muỗi biến đổi gen là tốn kém, phải thực hiện ít nhất một lần một năm nhằm kiểm soát số lượng muỗi và sẽ mất nhiều thời gian trước khi áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra các chuyên gia đã nghiên cứu sử dụng một loại gene có tên là Nix. Gene này có tác dụng thay đổi giới tính của muỗi cái sang muỗi đực, từ đó biến những kẻ hút máu người thành sinh vật hút nhựa cây và phấn hoa. Điều đó đồng nghĩa rằng 2/3 số muỗi cái sẽ trở nên hiền dịu và không bao giờ đốt người hay hút máu nữa.
J.K