Một máy bay A350 đầu tiên mà Vietnam Airlines đã nhận năm 2015. Ảnh: TL
Năm 2015, Vietnam Airlines khởi động rầm rộ các chiến dịch nâng cấp đội bay bằng việc mua và thuê 14 máy bay A350, 19 máy bay Boeing 787 theo lộ trình đến năm 2020 bằng việc tiếp nhận những máy bay mới đầu tiên vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, mới qua chặng đường khởi động cuối năm ngoái thì bất ngờ mới đây, HĐQT của hãng lại trình cổ đông xin chấp thuận chủ trương cho phép bán 2 máy bay Boeing 777-200ER, đồng thời bán sau đó thuê lại ba máy bay A350 mà hãng sắp được bàn giao trong hai năm 2016-2017.
Việc bán hai máy bay Boeing 777 là nằm trong lộ trình trước đó của hãng; còn việc bán và thuê lại ba máy bay là một diễn biến bất ngờ, bởi lộ trình nâng cấp, cạnh tranh của hãng mới đi được chặng đầu tiên.
Mặt khác, kế hoạch tài chính cho việc nâng cấp đội bay đã được Chính phủ thông qua năm 2014 khi hãng này trình kế hoạch cổ phần hóa và xin phép Chính phủ cho tiếp tục cơ chế bảo lãnh miễn phí vốn vay mua máy bay. Hãng cũng xin miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp với các khoản vay xuất khẩu và vay hỗn hợp để đầu tư dự án mua máy bay kể trên. Các kế hoạch này sau đó được Chính phủ chấp thuận cho dù hãng hàng không quốc gia đã chuyển qua hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 3/2015.
Nói như vậy để thấy rằng, cơ chế tài chính cho Vietnam Airlines để mua các máy bay mới thông qua hình thức vay có bảo lãnh của Chính phủ từ năm trước đã giải tỏa áp lực cho Vietnam Airlines, gia tăng cơ hội cạnh tranh cho hãng so với các hãng hàng không khác.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online hôm 2/4, đại diện của Vietnam Airlines cho biết, trước áp lực trần nợ công, Vietnam Airilines đã quyết định rà soát, giảm dần quy mô vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ bằng cách tìm kiếm đối tác để bán và thuê lại ba tàu bay A350 giai đoạn 2016-2017.
Nghiệp vụ được Vietnam Airlines công bố có tên là sale and lease back (bán và thuê lại) khá phổ biến trên thế giới. Theo đó, một hãng hàng không có thể đặt mua máy bay rồi tại thời điểm giao nhận tàu bay thực hiện bán và thuê lại chính máy bay này hoặc có thể bán và thuê lại máy bay đang khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo cân đối tài chính mà không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.
Vietnam Airlines nhận định rằng với hoạt động sale and lease back, việc vay nợ để sở hữu máy bay sẽ giảm xuống nhưng vẫn đảm bảo khả năng cân đối dòng tiền và an toàn tài chính cho doanh nghiệp.
Việc bán và thuê lại dự tính sẽ được thực hiện trên cơ sở chào hàng cạnh tranh theo luật định. Tuy nhiên, đến nay việc tìm kiếm đối tác để thực hiện việc bán rồi thuê lại chưa có kết quả.
Năm 2015, năm đầu tiên có 9 tháng hoạt đông theo mô hình công ty cổ phần, Vietnam Airlines đạt gần 70.000 tỉ đồng doanh thu và 1.400 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 129% so với kế hoạch đề ra.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn