Việt Nam có cơ hội cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới.
Việt Nam có cơ hội cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cơ hội để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Từ việc xác định Việt Nam là nước có nhiều lợi thế như kinh tế số phát triển nhanh; người Việt Nam có thế mạnh nổi trội về toán học và khéo léo; công tác giảng dạy trong trường đại học quan tâm toàn diện liên quan đến công nghiệp bán dẫn như công nghệ thông tin, vật liệu, vật lý… Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới. Chính phủ đã ban hành Đề án 'Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025'.

"Nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới về công nghệ thông tin, kinh tế số đã có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh tế số", Phó Thủ tướng cho biết.

Để có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, theo Phó Thủ tướng, về lâu dài cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư đã có kiến thức nền tảng để có thể tiếp cận, tham gia ngay vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta có lợi thế là lực lượng lao động ở nước ngoài rất đông, người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia và có năng lực tham gia vào lĩnh vực này.

Đồng thời, bằng cơ chế chính sách phù hợp có thể huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc trong ngành bán dẫn. Chính phủ cũng có chủ trương để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là lựa chọn trường đại học để xây dựng trung tâm công nghệ chíp bán dẫn, thông qua đầu tư những phòng thí nghiệm lớn, hiện đại từ thiết kế, sản xuất, kiểm chuẩn…

Phó Thủ tướng lưu ý, các thiết bị chế tạo, thiết kế chíp bán dẫn đều do một số nước giữ độc quyền nên chúng ta không chỉ cần nghiên cứu khoa học cơ bản, mà còn nghiên cứu sâu để có thể làm chủ trong dài hạn. "Cần thu hút các doanh nghiệp điện tử sản xuất mặt hàng sử dụng chip bán dẫn, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện tử ứng dụng công nghệ cao, đào tạo bài bản hơn các lĩnh vực khoa học cơ bản khác", Phó Thủ tướng nói.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, Phó Thủ tướng đã đề cập rõ tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn Phó Thủ tướng làm rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách để thu hút các nhà đầu tư; cơ chế khuyến khích, khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại của đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết, thực tế, chúng ta đã tính đến công tác 'đào tạo ngay và đào tạo lại' dựa trên nguồn nhân lực hiện có. Các trường đại học cũng đã và đang đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng tham gia ngành công nghiệp bán dẫn. "Tuy nhiên, khi tham gia đầy đủ chuỗi giá trị, nắm bắt đầy đủ các khâu, đây là cả một vấn đề. Hiện ta có lợi thế là, các nước đang làm chủ thiết bị, công nghệ liên quan đến sản xuất, có thể ưu tiên chuyển giao một phần. Nhưng để nắm bắt công nghệ, sản xuất và chế tạo, cần có nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ (để các trường nghiên cứu và dùng chung); một số trung tâm đổi mới sáng tạo (để có thể phát triển khâu nghiên cứu cơ bản ban đầu và làm chủ các bước sau). "Những đầu tư này rất lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử, có thể lên tới 7 tỷ USD. Do đó, cần có nhà nước và khối doanh nghiệp cùng tham gia", Phó Thủ tướng thẳng thắn nói.

Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
(Ngày Nay) - Tháng 11/2024, hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
(Ngày Nay) - Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn. Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định thăng quân hàm cho lãnh đạo Công an và Quân đội
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, các đồng chí được thăng cấp bậc hàm, quân hàm Đại tướng, Thượng tướng hôm nay là những sĩ quan ưu tú được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao giữ các cương vị, trọng trách quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an...