Theo ghi nhận của Công ty Savills Việt Nam - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn - dịch vụ bất động sản ở Việt Nam, cả nước có tổng số 28 dự án trung tâm dữ liệu với tổng công suất đạt 45 MW. Thị trường ghi nhận sự tham gia của 44 nhà cung cấp dịch vụ.
Từ năm 2021 đến nay, yêu cầu từ các đơn vị khai thác trung tâm dữ liệu nước ngoài đang tìm kiếm địa điểm và đối tác liên doanh tiềm năng tại Việt Nam đã tăng lên do các công ty quy mô lớn công bố sự quan tâm đến Việt Nam. Đáng chú ý, vào tháng 8/2022, Amazon Web Services (AWS) công bố ra mắt các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tương tự, nghiên cứu của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, so với các thị trường trưởng thành như: Singapore, Tokyo, Sydney, Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc), Việt Nam vẫn còn là một thị trường khá "non trẻ".
Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây quốc tế lớn chưa "đặt chân" đến đây, một số nhà mạng quốc tế đã có mặt thông qua hợp tác với các công ty viễn thông trong nước. Các dự án được triển khai bởi các công ty trong nước ở quy mô vừa và nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, với tổng công suất hiện tại đạt 45 MW.
“Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh, đô thị hóa, sở hữu hơn 80% số người dùng internet và vẫn đang tích cực áp dụng kỹ thuật số đối với hoạt động ngân hàng và kinh doanh”, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ.
Theo bà Trang Bùi, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng Việt Nam hiện thiếu hụt cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất trên toàn cầu nếu xét về mặt tỷ lệ dân số. Điều này có thể gây áp lực cho nhà đầu tư trong nước, bao gồm cả góc độ xây dựng, khan hiếm nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hậu cần chuỗi cung ứng
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn chi tiết về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề này.
Theo các chuyên gia của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, mối quan tâm chính sẽ nằm ở quy mô dự án lớn hơn thay vì xây dựng nhiều cơ sở nhỏ lẻ. Cùng với đó, tiềm năng mà ngành trung tâm dữ liệu mang lại là rất rõ ràng với sự bùng nổ của AI và ML (học máy).
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ định hình lại thị trường trung tâm dữ liệu trong những năm tới. Khác với các trung tâm dữ liệu truyền thống luôn ưu tiên vị trí thuận lợi nhất, các trung tâm dữ liệu AI và ML có thể được xây dựng trong bán kính 450 - 1000 km từ các thành phố lớn, tập trung vào khu vực có khả năng cung cấp nguồn điện liên tục.
Bà Trang Bùi phân tích, các tỉnh phía Nam Việt Nam có thể là điểm đến ưa chuộng nhờ có quỹ đất dồi dào, nguồn điện sẵn có trong các khu công nghiệp, có các trạm cập bến cáp có băng thông lớn của quốc gia được đặt tại Quy Nhơn, Đà Nẵng và Vũng Tàu. Ngoài ra, năng lượng tái tạo chiếm 1/4 cơ cấu năng lượng quốc gia với nhiều nguồn năng lượng khác nhau; trong đó, năng lượng điện gió và điện mặt trời khá phát triển.
Các trung tâm dữ liệu cũng sẽ đóng vai trò là thành phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam. Vì vậy, mặc dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng, ngành trung tâm dữ liệu sẽ sớm có những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả để phục vụ cho nhu cầu đầu tư trong thời gian tới.
Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam tăng lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2023, từ mức 561 triệu USD vào năm 2022 và đạt tốc độ tăng trưởng kép là 10,7%. Hiện tại, hầu hết các công ty tham gia phân khúc trung tâm dữ liệu của Việt Nam đều là các công ty viễn thông trong nước như: Viettel IDC, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International, VNPT và VNTT (Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam).
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Dịch vụ tư vấn công nghiệp, Savills Hà Nội (Công ty Savills Việt Nam) cho rằng, việc tăng trưởng nhanh chóng mang lại rủi ro và trách nhiệm đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng, tiêu thụ tài nguyên bền vững, độ tin cậy và chất lượng dịch vụ. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải giải quyết các thách thức, cơ hội về điện toán đám mây, dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ (colocation), doanh nghiệp và điện toán biên cũng như vai trò của chúng trong việc thúc đẩy tương lai kỹ thuật số của đất nước./.