Tại buổi họp báo thông tin về điểm nhấn trong công tác tiêm chủng mở rộng và những thách thức trong năm 2017, TS. Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết hiện nay tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp.
Người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vắc-xin. Đa phần các bà mẹ đồng ý cho con tiêm là vì tin bác sĩ chứ chưa thực sự hiểu vì sao phải tiêm ngay trong 24h đầu sau sinh.
Cán bộ y tế cũng “sợ” tiêm vắc-xin viêm gan B
Ngoài ra, một số bệnh viện còn ngần ngại, thậm chí còn có cán bộ tiêm chủng sợ tiêm vắc-xin này. Bà Hồng cho rằng, đây là mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên khi mà mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đến gần.
“Việt Nam cần phải tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ mới đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017”, bà Hồng cho hay.
Theo TS. Dương Thị Hồng, vắc-xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy không có khả năng gây ra độc lực. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vắc-xin mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai.
“Vắc-xin này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm, nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”, TS. Dương Thị Hồng thông tin.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc-xin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính, 80% trường hợp dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mạn tính. Nếu trẻ được tiêm vắc-xin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, ngoài các hoạt động trong tiêm chủng thường xuyên, chương trình TCMR cần triển khai các hoạt động trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu tếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh UVSS. Tiếp tục ưu tiên đầu tư nhằm tăng cường tỷ lệ, chất lượng tiêm chủng tại những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Tăng cường hoạt động nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi trong thời gian tới, duy trì tỷ lệ cao vắc xin sởi và vắc xin sởi-rubella cho trẻ em trong tiêm chủng thường xuyên, tăng cường công tác giám sát bệnh để phát hiện và đáp ứng kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lây lan.
Tiếp tục bảo vệ thành quả của tiêm chủng mở rộng
Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Bệnh sởi và rubella được khống chế. Tỷ lệ mắc chết nhiều bệnh trong TCMR tiếp tục giảm trong năm 2016.
Đến hết tháng 10/2016, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 83,4%. Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 79,1%. Tháng 6/2016 cũng đánh dấu việc hoàn thành chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella đối tượng nam nữ 16-17 tuổi trước khi bước vào đại học và đi làm.
Gần 1,8 triệu đối tượng 16-17 tuổi đã được tiêm phòng vắc xin sởi-rubella, đạt tỷ lệ 94,9%. Nhờ vậy, trong năm 2016 chỉ ghi nhận 34 ca mắc sởi, giảm 442 lần so với năm 2014 và giảm 8 lần so với năm 2015.
Để duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, tháng 7/2016 Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức thành công chiến dịch uống vắc bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn 120 huyện nguy cơ cao thuộc 19 tỉnh/thành phố, đạt tỷ lệ 95,3%.
Thực hiện khuyến cáo của WHO, trong tháng 5.2016 Việt Nam đã cùng với 155 quốc gia thực hiện chuyển đổi từ vắc xin bại liệt 3 týp sang sử dụng vắc xin 2 týp (bOPV) để hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.
Theo Lao Động