Việt Nam tích cực chia sẻ kinh nghiệm về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ. |
Trong hai ngày 16 và 17/6/2014, Khoá 26 Hội đồng Nhân quyền đã tiến hành nhiều hoạt động quan trọng liên quan đến bình đẳng giới; trong đó có các cuộc đối thoại với các Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền giáo dục và Chống phân biệt đối xử với Phụ nữ, các cuộc họp cấp cao về một số chủ đề liên quan đến quyền phụ nữ như phụ nữ và phát triển bền vững, xoá bỏ hủ tục đối với phụ nữ tại châu Phi… Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có các phát biểu tại các phiên họp này.
Tại phiên đối thoại với báo cáo viên đặc biệt về Quyền giáo dục và Nhóm làm việc về đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ ngày 16/6, Đại sứ Nguyễn Trung Thành hoan nghênh nỗ lực của các báo cáo viên nói riêng, các cơ quan của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã có những đóng góp thúc đẩy bảo vệ quyền về giáo dục, giáo dục có chất lượng và phổ cập giáo dục, cũng như những nỗ lực về đảm bảo quyền, tăng cường bình đẳng và tiến bộ đối với phụ nữ.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa tới quyền giáo dục, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; đồng thời, chia sẻ quan điểm mỗi quốc gia có trách nhiệm hoạch định các chính sách cho hệ thống giáo dục, bình đẳng giới và tiến bộ của mình, đảm bảo phù hợp với các tập quán, ngôn ngữ và các giá trị văn hóa của đất nước, các tiêu chuẩn và tập quán quốc tế về các lĩnh vực này. Đại sứ cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng giáo dục, coi giáo dục là nền tảng cơ bản để xây dựng và phát triển xã hội, và đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để phát triển giáo dục, hỗ trợ các học sinh nghèo khó được đến trường, chính vì vậy, mặc dù vẫn còn là nước nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về giáo dục, đặc biệt đạt tỷ lệ cao về phổ cập giáo dục cấp 1 và cấp 2.
Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao về phụ nữ và phát triển bền vững ngày 17/6, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), trong đó có việc ưu tiên thực hiện và sớm hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới. Bên cạnh việc nội dung bình đẳng giới luôn được quan tâm, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội, một yếu tố quan trọng để bình đẳng giới và phát triển bền vững tại Việt Nam có được mối quan hệ hữu cơ và tương hỗ là việc Việt Nam có tỉ lệ nữ giới là đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và đảm đương các trọng trách tại các cơ quan trung ương khá cao. Qua kinh nghiệm của mình, Việt Nam cho rằng để cộng đồng quốc tế có thể thảo luận, xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững, trong đó bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ, thì phụ nữ cần phải được trao quyền và được tạo điều kiện tham gia đẩy đủ vào quá trình này.