Thừa nhân lực, vẫn… thuê ngoài!
Đó là thực tế hiện nay được chính lãnh đạo của VNPT Hải Phòng xác nhận. Hiện, VNPT Hải Phòng là đơn vị phụ thuộc của Tập đoàn Viễn Thông Việt Nam (VNPT), sử dụng hơn 700 người lao động (NLĐ). Lương chi trả cho lực lượng lao động này áp dụng theo nguyên tắc tính lương của VNPT. Theo đó, quỹ lương mà VNPT Hải Phòng “rót” về các đơn vị là khoản chi cố định. Trường hợp lao động ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với VNPT Hải Phòng làm không hết việc thì mới thuê thêm người. Và nếu thuê người theo thời vụ, thì HĐLĐ thời vụ phải hạch toán theo công việc cụ thể.
VNPT Hải Phòng |
Tuy nhiên, ở VNPT Hải Phòng, NLĐ phản ảnh thực tế, trong khi những NLĐ được chính VNPT Hải Phòng cử đi học chuyên môn từ những năm trước hiện đang khá… rỗi việc. Thậm chí, có kỹ sư còn được cử đi… bán sim điện thoại, thì VNPT Hải Phòng lại thuê tới 107 NLĐ của Công ty CP thương mại và đầu tư phát triển viễn thông công nghệ thông tin (Công ty Detell) để làm việc. Trong đó, có khá đông nhân lực của Công ty Detell được bố trí làm những công việc chủ chốt của VNPT Hải Phòng.
Hiện, theo phụ lục hợp đồng của Công ty Detell ký với VNPT Hải Phòng, có hơn 30 NLĐ của công ty này đang thực hiện nhiệm vụ là nhân viên hỗ trợ lắp đặt thiết bị dịch vụ viễn thông ở các trung tâm viễn thông của VNPT Hải Phòng. Đó là chưa tính tới số lượng các nhân viên hỗ trợ lập trình trong các phần công việc khác cũng khá nhiều. Trong khi đó, đây lại là những công việc chính của VNPT Hải Phòng.
Có thể giải thích, VNPT Hải Phòng thiếu lao động có trình độ thì mới phải đi thuê lao động ngoài. Nhưng nếu “nhìn” lại thì không hẳn như vậy. Theo chính lãnh đạo VNPT Hải Phòng, cơ quan này đã tổ chức chi trả lương dựa trên trình độ của NLĐ, trình độ ấy lại được xác định trên cơ sở thi sát hạch do VNPT Hải Phòng tổ chức.
Sự đúng, hay sai của “phương pháp” trả lương này đã và sẽ được các cơ quan chức năng của Hải Phòng và VNPT kết luận. Nhưng thực tế thấy rõ, là có những cán bộ sau khi thi sát hạch mà theo VNPT Hải Phòng khẳng định là “không đạt”, thì cũng không bị buộc thôi việc. Kết quả là họ vẫn ở lại cơ quan này, nhưng nhiều người không được hưởng lương, tự bỏ tiền đóng BHXH, nhiều người khác thì thu nhập lương từ VNPT Hải Phòng chỉ được dưới… 1 triệu đồng/tháng.
Chưa bàn tới chuyện thi sát hạch có khuất tất hay không, thì việc duy trì những lao động không lương, hoặc lương dưới “chuẩn” này cho thấy lãnh đạo VNPT Hải Phòng có vấn đề về quản lý chuyên nghiệp. Vì không giám đốc nào quản trị giỏi, nhưng lại chỉ trả lương như vậy cho NLĐ.
Nếu đã tự tin là đúng luật, và để bảo đảm thanh lọc, nâng cao chất lượng lao động, VNPT Hải Phòng có thể chấm dứt HĐLĐ với những cán bộ này. Và tuyển những lao động mới, có chất lượng cao hơn, mà không cần phải đi thuê ngoài dễ phát sinh tiêu cực. Cách làm ấy cũng vừa giúp VPPT Hải Phòng không phải “mang tiếng” là trù dập, trả lương thấp, và vừa giúp những lao động bị mất việc tìm kiếm công việc mới, thu nhập mới, phù hợp hơn.
Cơ sở tính lương và quỹ lương của VNPT Hải Phòng, cũng như của chi nhánh các địa phương khác, là được VNPT xác lập. Do vậy, có thể thấy lương của những người “không đạt” theo “chuẩn” của VNPT Hải Phòng sẽ được “phân bổ” vào những bộ phận “đạt yêu cầu”. Còn theo là phản ảnh của NLĐ: những bộ phận “đạt yêu cầu” lại chủ yếu là các chức danh quản lý…
“Tình cảm” và tùy tiện
Lương thấp, chi lương và xử lý kỷ luật tùy hứng là điều mà một số NLĐ của VNPT Hải Phòng phản ánh, thậm chí là tố cáo. Nhưng ngạc nhiên là, chính lãnh đạo của VNPT Hải Phòng lại gián tiếp thừa nhận thực tế này. Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc VNPT Hải Phòng khẳng định: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nên những vấn đề tố cáo không đúng. Chúng tôi thực hiện theo đúng pháp luật lao động. Thật ra, NLĐ có người không hiểu, hoặc cố tình không hiểu nên họ cứ tố cáo lung tung.”
Cái “lung tung” mà ông Nguyễn Đức Dũng nhắc tới liên quan trực tiếp tới trường hợp xử lý vi phạm bị phát hiện khi nghiệm thu công trình của một lao động, ông Vũ Văn Sự. Với trường hợp cụ thể này, theo ông Nguyễn Đức Dũng, thì VNPT Hải Phòng không kỷ luật về công việc, mà chỉ kỷ luật về Đảng.
Xử lý theo “tình cảm” là cách giải thích của ông Nguyễn Đức Dũng. Còn theo trình bày của ông Vũ Văn Sự, từ tháng 4-2011 đến nay, khi về công tác tại Phòng Kinh doanh của Trung tâm tin học, ông Sự bị thay đổi công việc đến tám lần. Chỉ trong tám tháng của năm 2012, đã có đến bốn lần thay đổi cán bộ phụ trách phòng. Ngoài ra, phòng kinh doanh, cũng như nhiều bộ phận khác thuộc VNPT Hải Phòng đều tự chia, thay đổi tiền lương của NLĐ. Hàng tháng, NLĐ không được ký nhận tiền lương, không có thang lương, bảng lương, không biết công thức tính lương…
Cách hiểu khác từ sự “tình cảm” đầy tử tế mà ông giám đốc VNPT Hải Phòng nói, đối với quan sát của NLĐ, lại là sự tùy tiện. Và điều đó là có cơ sở. Vì thực tế, có không ít những vụ việc do thuê người ngoài thực hiện công việc, khi bị mất cắp nguyên vật liệu, thì VNPT Hải Phòng không trình báo cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm rõ. Mà ngược lại, VNPT Hải Phòng tự ban hành đơn giá, số liệu nguyên vật liệu mất, sau đó tính thành tiền, và… trừ lương thưởng cán bộ liên quan. Kết quả của thuê người ngoài lại được “phân bổ” vào thu nhập của “người nhà” theo cách ấy.
Tất nhiên, về hình thức thì phương án này có vẻ là hợp lý. Nhưng về pháp lý thì không hẳn như vậy. Dù VNPT Hải Phòng khẳng định tập đoàn đã kiểm tra, kết luận về các vụ việc này. Nhưng có thể thấy, khi không kết luận được trách nhiệm cụ thể, trực tiếp, có căn cứ pháp lý, thì việc thu tiền NLĐ để bù thất thoát cũng sẽ lại là sai quy định. Và do việc thu tiền đã sai ngay từ… gốc, nên việc sử dụng những khoản tiền ấy cũng quá khó để gọi là đúng luật.
Hậu quả của cách quản lý tùy tiện được gọi là “tình cảm” ấy, phần nào đã được thể hiện ngay trong những lá đơn tố cáo của không ít NLĐ gửi tới các cơ quan chức năng. Sẽ không khó khăn để nhận diện được những mâu thuẫn, lục đục, “sóng ngầm” trong nội bộ của VNPT Hải Phòng hiện nay, từ những lá đơn này. Dù đây là điều rất hiếm khi xảy ra trong truyền thống hàng chục năm của cơ quan này.
Dường như, những truyền thống tốt đẹp được xây đắp từ hàng chục năm qua, bằng cách nào đó, lại trở thành lực cản cho việc áp dụng chiến lược quản trị, phát triển một cách hiệu quả đối với VNPT Hải Phòng.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Vietinbank ký kết hợp đồng trị giá 100 triệu USD