Sáng 5/11, tại Nhà Văn hóa phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ cháy tại phường Khương Đình tổ chức trao kinh phí hỗ trợ đợt 2 cho các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini.
Đợt 2 thực hiện hỗ trợ từ ngày 5/11, gồm hỗ trợ bổ sung 1 trường hợp (sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình hỗ trợ đợt 1 là 40 triệu đồng); hỗ trợ người sống trong tòa nhà 89,6 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ chi phí sinh hoạt bảo đảm ổn định cuộc sống cho 88 người còn sống với số tiền 700 triệu đồng/người (tổng 61,6 tỷ đồng); hỗ trợ thờ cúng đối với người tử vong (hỗ trợ cho thân nhân của người tử vong đứng ra thờ cúng) cho 56 người với số tiền 500 triệu đồng/người (tổng 28 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, hỗ trợ 37 nạn nhân bị thương 15,1 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 3 người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 3 đến 7 ngày với số tiền 300 triệu đồng/người (tổng số tiền 900 triệu đồng); hỗ trợ 33 người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên với số tiền 400 triệu đồng/người (tổng 13,2 tỷ đồng); hỗ trợ một người bị thương nặng, hiểm nghèo với số tiền 1 tỷ đồng.
Hỗ trợ cho đối tượng là trẻ em 19,2 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ sổ tiết kiệm cho một trẻ mồ côi cả cha và mẹ 2 tỷ đồng; hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 4 trẻ mất cha hoặc mẹ với 1 tỷ đồng/cháu (tổng số tiền 4 tỷ đồng); hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 22 trẻ dưới 16 tuổi (cha, mẹ còn sống) với số tiền 600 triệu đồng/cháu (tổng số tiền 13,2 tỷ đồng). Tổng số kinh phí hỗ trợ đợt 2 là 123,94 tỷ đồng.
Theo Ban Vận động, trước đó, tại đợt 1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và quận Thanh Xuân đã trích từ nguồn ủng hộ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn 6,126 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ.
Trong số đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỗ trợ 406 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình hỗ trợ 5,720 tỷ đồng cho 143 người sống trong tòa nhà, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/người. Tổng cộng hai đợt hỗ trợ là 130,12 tỷ đồng.
Đối với số tiền còn lại là 2,221 tỷ đồng, căn cứ khoản 7 Điều 10 Nghị định 93/2021, Ban Vận động thống nhất để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường; phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn theo quy định.
Trao đổi với phóng viên báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Trường cho biết sau gần 20 ngày kể từ ngày dừng tiếp nhận hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy, Ban Vận động hỗ trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng của quận đã xây dựng phương án hỗ trợ các nạn nhân dựa trên những tiêu chí theo các quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP về mức độ thiệt hại, hoàn cảnh gia đình người bị nạn, cùng với tổng số tiền tiếp nhận được, từ đó quận có căn cứ để xây dựng phương án hỗ trợ.
Phương án này đã được báo cáo với Ban Vận động hỗ trợ của quận, thành phố và nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong Ban.
Đây là phương án giải quyết căn cơ hoàn cảnh khó khăn trước mắt cũng như giúp các nạn nhân của vụ cháy ổn định cuộc sống lâu dài. Phương án này hỗ trợ cho tất cả những người sinh sống tại tòa nhà bị ảnh hưởng của vụ cháy với các mức hỗ trợ phù hợp hoàn cảnh như: người tử vong, người còn sống, người còn sống bị thương (điểu trị dưới 7 ngày, từ 7 ngày trở lên, bị thương nặng), trẻ em, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả cha và mẹ...
Trước khi đưa ra mức hỗ trợ này, quận Thanh Xuân đã họp nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu của các hộ dân và nhận được sự đồng thuận với phương án quận đưa ra.
Để thuận lợi cho các hộ dân khi nhận tiền hỗ trợ, Ban Vận động đã mời ngân hàng đến hỗ trợ người dân bằng hình thức lập sổ tiết kiệm hoặc chuyển khoản, đảm bảo đúng đối tượng và phương án hỗ trợ.