Ngày 22/12, tại TAND TP Hà Nội, phiên tòa xét xử 6 bị cáo gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) số tiền 4.758 tỷ đồng tiếp tục diễn ra. 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Tạ Bá Long (SN 1955) – cựu Chủ tịch HĐQT GPBank, Đoàn Văn An (SN 1958) – cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank, Phạm Quyết Thắng (SN 1973) – nguyên Tổng Giám đốc GPBank, Nghiêm Tiến Sỹ (SN 1973) – nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank, Nguyễn Anh Dung (SN 1978) – nguyên Kế toán trưởng GPBank và Nguyễn Ngọc Nam (SN 1976) – nguyên Giám đốc Công ty Sao Bắc.
Dùng công ty “sân sau” để rút 3.900 tỷ đồng
Theo cáo trạng, Tạ Bá Long và nhóm liên quan sở hữu 34,99% vốn điều lệ tại GPBank còn Đoàn Văn An và nhóm liên quan sở hữu 55,32% vốn điều lệ. Trong năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ GPBank theo quy định và sử dụng vào các mục đích khác, Long và An đã sử dụng 3 công ty “sân sau” của mình gồm: Công ty Thành Trung, Công ty Đại Lải và Công ty Chí Linh phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance), thu về 3.380 tỷ đồng. Số tiền này một phần được Long và An sử dụng để nhóm cổ đông của họ mua cổ phần tăng vốn điều lệ GPBank lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2009 và 3.018 tỷ đồng vào năm 2010. Còn lại, họ dùng vào việc trả lãi trái phiếu, đầu tư kinh doanh cho các công ty trên.
Sau đó, để có tiền trả gốc và lãi cho EVNFinance, Long và An đã thống nhất rút tiền của GPBank để trả nợ bằng cách sử dụng Công ty Thành Trung và Công ty Sao Bắc ký Thỏa thuận đặt cọc mua 58% diện tích sàn Tòa nhà Capital Tower (109 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank để rút 3.900 tỷ đồng của GPBank.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 10/5/2011, Tạ Bá Long đại diện GPBank và đại diện Công ty Thành Trung ký thỏa thuận đặt cọc về việc mua 58% diện tích Tòa nhà Capital Tower với giá 2.200 tỉ đồng. Kế đến, Phạm Quyết Thắng – cựu Tổng Giám đốc và Nghiêm Tiến Sỹ - cựu Phó Tổng Giám đốc GPBank lần lượt ký các lệnh chuyển tiền cho Công ty Thành Trung. Tuy nhiên đến nay, vụ việc mua bán Tòa nhà Capital Tower vẫn không thể thực hiện được.
Ngày 6/6/2011, Tạ Bá Long tiếp tục đại diện GPBank ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Sao Bắc nhằm thực hiện dự án Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank. Sau đó, Phạm Quyết Thắng ký 2 ủy nhiệm chi chuyển cho Công ty Sao Bắc 1.700 tỉ đồng. Bằng việc làm trên, Long và đồng phạm đã “rút ruột” được 3.900 tỉ đồng của GPBank..
VKS đề nghị mức án cao nhất 14 năm tù
Có mặt tại tòa, bị cáo Long khai việc mua tòa nhà Capital Tower được Hội đồng quản trị GPBank họp và ra quyết định. Mục đích mua để làm trụ sở và nơi đặt hệ thống dữ liệu nhà băng. Sau khi nghị quyết đầu tư được Hội đồng quản trị và các cổ đông thông qua, ông Long đã giao cho Tổng Giám đốc Thắng giải ngân cho Thành Trung 2.200 tỷ đồng. Việc làm này, theo Luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được phép đầu tư mua tài sản vượt quá 50% vốn điều lệ (GPBank thời điểm này vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng). Số tiền 2.200 tỷ sau khi chuyển cho Thành Trung đã được rút ra ngay cho Công ty Chí Linh – công ty “sân sau” của bị cáo An để trả nợ cho EVNFinance.
Ngoài sai phạm trên, ông Long còn có sai phạm trong việc đầu tư vào Dự án Trung tâm Thương mại Văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank số tiền 1.700 tỷ đồng. Bởi thực tế dự án này chưa được phê duyệt xây dựng. Bị truy vấn, ông Long cho biết việc đầu tư trên là tính tới quá trình “dài hơi” nhằm giúp GPBank tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng. Sau đó, ông ta thừa nhận sai phạm và cho biết đã đề nghị các đối tác có tài sản thế chấp và gom cổ phần của các nhóm liên quan để khắc phục hậu quả.
Đến lượt mình, ông An cũng thừa nhận chủ trương đầu tư cho hai công ty trên là sai. Theo lý giải của bị cáo này, họ biết việc đầu tư là sai nhưng thời điểm đó, áp lực tăng vốn điều lệ rất là căng với GPBank nhưng hy vọng tương lai sẽ có các doanh nghiệp, cá nhân khác đổ vốn cho GPBank. Sau đó, ông An nói lời xin lỗi cấp dưới vì quyết định sai lầm của Hội đồng quản trị khiến họ vướng lao lý…
Kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Theo VKS, hành vi của các bị cáo vi phạm quy định của pháp luật, việc truy tố các bị cáo hoàn toàn chính xác, đúng người, đúng tội. Các bị cáo là người có trình độ, chức vụ, hiểu biết pháp luật, nhiều năm công tác trong ngành ngân hàng nhưng các bị cáo đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước… Do đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo An từ 13-14 năm tù, Long 7-8 năm tù, Thắng và Sỹ cùng mức án từ 5-6 năm tù, Dung từ 4-5 năm tù và Nam từ 3-4 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, cựu Chủ tịch HĐQT GPBank thừa nhận sai phạm, xin tòa xem xét cho các bị cáo. Trong khi đó, cựu Phó Chủ tịch GPBank nói rất ân hận với việc làm sai của mình. Ông An đáng tiếc khi để những cán bộ tốt – là các bị cáo trong vụ án vướng lao lý. Ông ta mong HĐXX xem xét mức nhẹ nhất cho các bị cáo vì họ là những người đã cống hiến toàn bộ tâm huyết cho ngân hàng. Các bị cáo còn lại xin tòa cho mình được giảm nhẹ tội vì hoàn cảnh khó khăn…
Tòa nghị án kéo dài, ngày 26/12 sẽ tuyên án.
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam