Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội): Không đủ cơ sở chứng minh “kiều nữ Hải Dương” bị tâm thần.
Ông Phạm Ngọc C. (SN 1944, trú tại TP Hải Dương, bố đẻ của “kiều nữ Hải Dương") đã đề nghị Công ty Luật TNHH 1TV QTC (địa chỉ số 11A, ngõ 98 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông C. - là người giám hộ của bà Ngọc.
Tuy nhiên, việc ông Phạm Ngọc C. hay phía Công ty Luật QTC chỉ đưa ra bệnh án của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hải Dương từ năm 2009 để chứng minh rằng, hiện nay bà Ngọc bị bệnh tâm thần mà không có bất cứ quyết định nào của tòa án là chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thêm vào đó, bệnh án này được xác lập từ năm 2009 nhưng những gì bà Ngọc gây ra được báo chí phản ánh là vào năm 2013 đến nay cho nên cũng không thể nào chứng minh được hiện nay bà Ngọc có bị tâm thần hay không.
Việc bà Ngọc chưa được cơ quan tòa án ra quyết định xác nhận mất năng lực hành vi dân sự thì ông Phạm Ngọc C. cũng chưa được coi là người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật.
Cũng vì vậy mà việc công ty Luật QTC trích dẫn các điều luật liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người giám hộ trong trường hợp này cũng chưa đủ cơ sở.
Bà Phạm Thị Thanh Ngọc. |
Luật sư Nguyễn Văn Trường – Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TPHCM: Quá lắm rồi!
Tôi rất ngạc nhiên vì sao cho đến giờ, bà Ngọc vẫn có thể thoải mái quậy khắp nơi mà chưa có Cơ quan điều tra của địa phương nào vào cuộc một cách nghiêm túc, đúng tinh thần trách nhiệm.
Theo Điều 43 về việc Bắt buộc chữa bệnh của Bộ luật Hình sự quy định thì chỉ cần Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan khác thành lập Hội đồng giám định pháp y và đưa ra kết luận khẳng định bà Ngọc bị bệnh, thì lúc này, bà Ngọc mới bị buộc phải đi chữa bệnh.
Chân dung kiều nữ Hải Dương. |
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – Đoàn luật sư TP Hà Nội): Có thể khởi tố “kiều nữ Hải Dương”.
Nếu nạn nhân, người nhà có đơn đề nghị thì Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân tại sao các nạn nhân của “Kiều nữ” bị bất tỉnh sau khi uống thuốc.
Nếu thuốc có độc tố gây chết người thì "kiều nữ Hải Dương" có thể bị khởi tố tội danh “giết người” theo Điều 93 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp thuốc chỉ gây tổn hại về sức khỏe cho các tài xế, thì cần giám định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.
Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Nếu “kiều nữ” sử dụng thuốc kích dục để cho nạn nhân uống nhằm mục đích giao cấu trái ý muốn của họ thì hoàn toàn không thể khởi tố vụ án được.
Bởi vì, pháp luật hình sự chỉ coi nam giới mới là chủ thể của tội hiếp dâm với vai trò là người thực hành, nữ giới có thể coi là đồng phạm của tội này với vai trò người giúp sức. Nếu cả hai quan hệ tình dục hoàn toàn tự nguyện thì không thể xử “kiều nữ” tội hiếp dâm được.
Ngoài ra, nếu phát hiện các viên thuốc mà “kiều nữ” đưa cho tài xế là một loại ma túy tổng hợp nào đó thì có thể khởi tố về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy theo Điều 200 BLHS.
Luật sư Vũ Lợi, Công ty luật Hòa Lợi, Đoàn luật sư TP Hà Nội:Bà Ngọc có thể phạm tội “Làm nhục người khác”
Theo dõi vụ việc tôi cho rằng, nếu bà Phạm Thị Thanh Ngọc có hành vi làm tổn hại sức khỏe, tâm lý của các tài xế taxi thì có thể phạm tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự.
Để xử lý người có dấu hiệu Làm nhục người khác, Cơ quan điều tra phải có cơ sở để xác định những người tố cáo đã bị tổn hại về tinh thần, chẳng hạn như hoang mang lo sợ, không dám giao tiếp với người khác vì quá xấu hổ…
Tuy nhiên, nếu bà Ngọc bị bệnh tâm thần thì không thể xử lý hình sự. Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng cần quyết định buộc bà Ngọc phải khám chữa bệnh và có biện pháp cùng gia đình quản lý bà Ngọc.
Đến thời điểm này, đã có 2 người bất tỉnh sau khi vào nhà nghỉ cùng với bà Ngọc. Đừng xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
“Kiều nữ Hải Dương” từng đi xem bói cho mọi người
Theo thông tin trên tờ An ninh thế giới, bà Phạm Thị Thanh Ngọc, người được gọi là “kiều nữ Hải Dương” là con gái thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Năm 2000, người này đi sang Mỹ cùng với chồng.
Trong thời gian ở Mỹ, bà Ngọc ngủ kém, nói nhiều không chú ý đến công việc gia đình, có lần không kiểm soát được hành vi đã dùng dao chém chồng.
Bà Ngọc từng hai lần vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương.
Lần thứ nhất là 10 giờ ngày 24/3/2009. Lý do phải vào viện là do "đêm ít ngủ, nói nhiều, nói linh tinh". Trong bệnh án ghi rõ: Tại Mỹ, bà Ngọc đã điều trị bằng thuốc an thần Stilnox, bệnh nhân vẫn ít ngủ, bỏ nhà đi lang thang.
Chồng bà này đã gửi vợ về nước. Về nhà tự mua thuốc Stilnox để uống nhưng bệnh tình vẫn không ổn định, đêm ít ngủ, nói nhiều, tự xưng là "ông Hoàng Mười", "Cô Mẫu", "Cậu Mẫu", đi xem bói cho mọi người.
Lần thứ hai là từ ngày 3 - 12/6/2009. Trong bệnh án, bác sĩ điều trị vẫn yêu cầu tiếp tục điều trị theo đơn. Gia đình bà Ngọc cũng kể thêm, khoảng thời gian sau khi ra viện lần đầu, gia đình từng đưa bà Ngọc đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tháng. Nhưng khi về nhà, bệnh nhân vẫn ít ngủ, đi lại nhiều, nói nhiều, luôn luôn cho mình có tài, ăn uống thất thường nên gia đình lại đưa vào viện.