Luật sư của bị hại: Đề nghị xem xét hành vi tẩu tán tài sản
Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP.HCM vừa tuyên phạt tù 7 năm 6 tháng đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.
Đồng thời tuyên án Phong phải bồi thường hơn 400 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường, tài xế Grabbike đã tử vong và hơn 1,4 tỷ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường, nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79% trong vụ tai nạn.
Tòa buộc gia đình bị cáo Phong thi hành ngay việc bồi thường đối với hai bị hại.
HĐXX nhận định, sau khi gây tai nạn, Phong đã bỏ trốn, vứt SIM điện thoại, khai không biết gì về vụ việc gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Do đó cần áp dụng tình tiết "trốn trách trách nhiệm" đối với bị cáo Phong.
Về việc khai có sử dụng ma túy hai ngày trước khi gây tai nạn và kết quả kiểm tra dương tính sau tai nạn, HĐXX nói không thể xác định thời điểm gây tai nạn bị cáo có sử dụng ma túy hay không. Tuy nhiên, từ lời khai của Phong vẫn có căn cứ để xem xét hành vi có chất ma túy trong quá trình tham gia giao thông.
Về vấn đề bị cáo Phong sử dụng giấy tờ giả để thuê xe hiện không thể thu hồi, bởi Phong đã vứt bỏ trên đường bỏ trốn. Tuy nhiên, từ lời khai của những người có liên quan, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đối với việc bị cáo Phong sang tên căn chung cư cho mẹ trong thời gian bị tạm giam, các luật sư của bị hại đề nghị xem xét xử lý hành vi tẩu tán tài sản. HĐXX xét thấy người liên quan có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự.
Sau khi kết thúc phiên tòa, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường cho biết bản án quá nhẹ đối với những gì bị cáo Phong gây ra, cô cho biết sẽ kháng cáo.
Có dấu hiệu tẩu tán tài sản khá rõ
Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, mức án 7 năm 6 tháng tù với bị cáo Phong là quá nhẹ. Còn nhiều vấn đề chưa được cơ quan chức năng xem xét như cáo trạng, trong đó chưa làm rõ hành vi sử dụng giấy tờ giả, sử dụng ma túy…
Bên cạnh đó, luật sư Cường cho rằng, có vấn đề bất thường của vụ án này khi bị cáo Phong đã kịp ký sang tên nửa căn nhà cho mẹ bị cáo, có công chứng và thậm chí có thông tin đã được chuyển nhượng cho bên thứ 3 khác.
Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM. (Ảnh: Báo Giao thông) |
Trong hoàn cảnh này, việc này được coi là có hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý về bồi thường thiệt hại.
Theo quy định của pháp luật về Công chứng thì việc Phong đang bị tạm giam, nếu có yêu cầu công chứng thì việc công chứng có thể diễn ra tại trại tạm giam (nếu tài sản giao dịch không trong trạng thái bị ngăn chặn)
Tuy nhiên, quá trình tố tụng, Phong chưa bồi thường cho bị hại nhưng có tài sản duy nhất lại bán đi, như vậy càng chứng minh rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ bồi thường.
“Do đó, để bản án không bị nằm trên giấy cho dù Tòa án xác định Phong phải bồi thường nhiều hay ít (nhưng do Phong không có tài sản để thi hành), do đó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, thì các bị hại cần có đơn yêu cầu Tòa án tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn mọi giao dịch phát sinh, đảm bảo việc thi hành án.
Ngay sau đó, sẽ tiến hành khởi kiện vụ án nhằm yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đã chuyển nhượng vô hiệu (cho dù đã chuyển nhượng cho bên thứ ba ngay tình), theo quy định pháp luật về dân sự”, luật sư Trần Minh Cường phân tích.