Đó là anh Trương Cảm (51 tuổi, quê ở làng Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hiện anh Cảm đang công tác tại Tổ tuyên truyền bảo vệ rừng của Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Cơ duyên
Anh Cảm cho hay tuổi trẻ của anh gắn liền với núi rừng, chim thú và tự nhận mình là “lâm tặc”. Từ khi còn là một học sinh cấp 2, Trương Cảm đã theo chân những người lớn trong làng vào rừng Bạch Mã chặt gỗ, săn thú... để mưu sinh.
Tai họa bỗng dưng ập đến vào một buổi chiều cuối tháng 9/1985. Lúc này anh Cảm đang bán 2 con trĩ sao ở Nhà văn hóa Trung tâm Thừa Thiên Huế thì có hai người thanh niên vào trả giá rất cao... “Tôi đã đồng ý mang chim ngồi trên xe máy để về nhà khách nhận tiền theo yêu cầu của khách. Lúc đến nơi, trước mắt là căn nhà to có nhiều người mặc áo xanh nên sinh nghi. Đến khi nhìn thấy hàng chữ Chi cục Kiểm lâm thì mới thất thần là mình đã bị bắt”, anh Cảm bồn chồn nhớ lại.
Căn nhà to ấy là trụ sở Kiểm lâm. Tại đây, Trương Cảm bị lập biên bản, tịch thu hai con chim trĩ sao mà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình. Chỉ đến khi nghe một vị cán bộ đọc luật anh mới mường tượng ra những hành vi lâu nay là sai trái của mình.
Bỏ nghề “lâm tặc”, anh Cảm trở về làm ruộng, trồng lúa trồng khoai. Năm 1988 là lúc cơ duyên đến với anh, khi Vườn quốc gia Bạch Mã cần tuyển một người am hiểu các loài thú hoang dã để có thể chăm sóc, theo dõi nguồn gốc của các loài thú. Anh Cảm đã đồng ý nhận lời và chính thức trở thành một cán bộ lâm nghiệp.
Hiện công việc chính của anh là tổ chức các buổi trò chuyện với các thôn, bản để tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng, để người dân khu vực vùng đệm hiểu và chấp hành. Có lẽ, để chuộc lại những lỗi lầm của bản thân, anh đặt tên con trai là Bảo Lâm. Theo anh, Bảo Lâm có nghĩa là bảo vệ rừng.
Anh Cảm (trái) giới thiệu về tập tính từng loại chim cho du khách |
Những ngày đầu khoác trên mình sắc phục kiểm lâm đi truy quét lâm tặc, đại đa số những người bị anh bắt đều là bạn nghề, họ hàng thân thích. Nhiều người khi có người thân bị bắt không tiếc lời nhiếc mắng anh nhưng rồi mọi người cũng dần cảm thông và hiểu hơn về anh. “Tôi đã từng chặt cây bắt thú nên thấu hiểu hoàn cảnh của những người phá rừng. Họ đều nghèo khó nên làm vậy, nếu chịu khó thuyết phục họ sẽ nghe...”, anh Cảm tâm sự.
“Vua” gọi chim trời giữa đại ngàn
Anh Cảm nhớ lại từ nhỏ khi vào rừng thì anh rất thích ngồi dưới tán cây để nghe những âm thanh hót líu lo, êm ả của các loài chim. Dần dần anh như “nghiện” và tự học ngôn ngữ của từng loài. “Có nhiều hôm đi kiếm củi, tôi nằm nghe chim hót mãi mà quên công việc. Đến khi mọi người ra về với đầy gánh trên vai thì tôi mới hoảng hốt. Thế là bạn bè góp cho một ít để gánh về”, anh Cảm cười khanh khách và nói.
Khi đang làm kiểm lâm, anh Cảm được tham dự nhiều cuộc hội thảo, được tập huấn nhiều kỹ năng về bảo vệ thiên nhiên. Cột mốc đáng nhớ của anh là giành được suất học bổng đến vùng Nor Pas De Pais (Pháp) để nghiên cứu về các loài chim. Tại đây, anh có điều kiện “mục sở thị” tập quán và sinh hoạt của nhiều loài chim, tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn âm vực của chúng qua đó bắt chước tiếng hót... Cứ thế đến nay, tiếng hót của hơn 200 loài chim giữa đại ngàn Bạch Mã đã nằm trong lòng bàn tay của anh Cảm.
Dẫn chúng tôi khám phá thiên nhiên hùng vĩ trên đỉnh Bạch Mã vào một ngày nắng ráo, anh Trương Cảm giới thiệu những di tích xưa còn sót lại và hàng trăm cây rừng, cỏ dại quý hiếm như ngũ gia bì, nam trường sơn, bướm bạch, thạch xương bồ, thổ phục linh...
Khi đến Hải Vọng Đài - nơi cao nhất Bạch Mã, bất chợt có tiếng chim thánh thót từ xa xa vọng lại. Theo bản năng lâu nay, anh đưa đôi bàn tay úp vào miệng, giả giọng y hệt để cất tiếng du dương, chú chim đó cũng hót đáp trả lại.
Anh Cảm tiếp tục hót và lần lượt gọi về cho chúng tôi nhiều loài chim trống mái khác nhau như cu cu, cuốc, bìm bịp... Những âm thanh “róc... róc... róc”, “huýt... huýt”, ‘cúc cù...cu” phát ra từ miệng Trương Cảm lúc bổng lúc trầm, lúc rộn ràng lúc lạc lõng giữa rừng xanh khiến ai ai cũng trầm trồ, thích thú.
Không những gọi được chim mà anh Cảm còn hiểu rõ tập tính của từng loài. Cũng theo anh Cảm, giống như con người thì tiếng hót mỗi loài chim thay đổi trong từng hoàn cảnh nhất định. Theo anh Cảm để hót được tiếng chim như thật, ngoài việc điều chỉnh được âm lượng của giọng, người tập hót còn phải có đam mê thực sự và kiên trì suốt thời gian dài. Đồng thời, phải tìm hiểu kĩ tập tục sinh hoạt của từng loài. “Hót được nhiều tiếng chim và y như hệt khiến tôi tự hào lắm. Thấy tôi có khả năng này nên nhiều người đã bắt tôi làm “chim mồi”, dùng tiếng hót của mình để dụ chim về bẫy để nuôi, bán cho dân chơi hoặc bán cho dân nhậu đó chứ”, anh Cảm bộc bạch.