Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch COVID-19 ở các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương "còn lâu mới kết thúc" và các quốc gia nên chuẩn bị tốt cho các biện pháp chống dịch trong tương lai, hãng tin Reuters cho hay.
Ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, cho rằng COVID-19 vẫn có khả năng lây nhiễm ở khu vực này chừng nào đại dịch ở các vùng khác trên thế giới vẫn còn tiếp diễn.
"Dịch bệnh còn lâu mới kết thúc ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây sẽ là một trận chiến dài hạn và chúng ta không thể mất cảnh giác", ông Kasai nói.
Ông cho rằng các biện pháp khống chế dịch bệnh hiện tại cũng chỉ giúp kéo dài thời gian để các nước trong khu vực chuẩn bị cho kịch bản "lây nhiễm trong cộng đồng trên quy mô lớn” và mỗi quốc gia đều cần chuẩn bị cho tình huống xấu này.
WHO sẽ ưu tiên hỗ trợ các quốc gia với nguồn lực giới hạn, như các đảo quốc ở Thái Bình Dương vì các nước này không có năng lực tự xét nghiệm COVID-19.
Các nước này buộc phải gửi mẫu xét nghiệm sang các nước phát triển hơn và chờ kết quả nên các biện pháp hạn chế đi lại giữa các nước có thể khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Kasai cảnh báo các quốc gia không nên mất cảnh giác dù cho số ca nhiễm mới có giảm, bởi vì virus có thể quay trở lại và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Cố vấn kỹ thuật của WHO, ông Matthew Griffith cho biết WHO không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ nước nào sẽ được an toàn vì dịch bệnh có thể sẽ lây nhiễm tới tất cả các quốc gia.
Ông Griffith nhắc đến thực tế là một số nước như Hàn Quốc và Singapore đã khống chế được dịch bệnh trong nước nhưng các ca nhiễm vẫn xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trong nước hoặc từ những người từ nước ngoài về.
Ông cảnh báo, dù cho tâm dịch của thế giới hiện là khu vực châu Âu, tâm dịch vẫn có thể chuyển sang các khu vực khác.
Tính đến chiều ngày 31-3, toàn thế giới có hơn 800.000 ca nhiễm COVID-19 va hơn 38.700 bệnh nhân đã tử vong, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.
Hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương đều đã có các ca nhiễm COVID-19, trong đó Trung Quốc là nơi bùng phát bệnh. Ổ dịch lớn tiếp theo trong khu vực là Hàn Quốc. Tuy nhiên, cả hai nước này đã có khống chế hiệu quả làn sóng lây nhiễm đầu tiên của COVID-19 và đang chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai, xuất phát từ các nguồn bệnh ở châu Âu và Mỹ.