Theo ước tính mới nhất của WHO, tự tử vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, được công bố trong báo cáo “Tự tử trên toàn thế giới năm 2019”. Hàng năm, số người chết vì tự tử nhiều hơn so với HIV, sốt rét, ung thư vú, chiến tranh hoặc tội phạm giết người. Năm 2019, hơn 700.000 người chết do tự tử: cứ 100 ca tử vong thì có một người chết do tự tử, khiến WHO phải đưa ra hướng dẫn mới để giúp các quốc gia cải thiện việc ngăn chặn tự tử.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO khẳng định thế giới cần quan tâm hơn tới các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử sau nhiều tháng sống chung với đại dịch COVID-19, với ngày càng nhiều yếu tố tác động có thể dẫn đến tự tử, như mất việc làm, áp lực tài chính và tình trạng cô lập.
Đối với thanh thiếu niên từ 15-29 tuổi, tự tử là nguyên nhân tử vong đứng thứ tư. Số nam tử vong do tự tử nhiều hơn gấp đôi so với nữ (12,6 trên 100.000 nam so với 5,4 trên 100.000 nữ). Tỷ lệ tự tử ở nam giới nhìn chung cao hơn ở các nước có thu nhập cao (16,5 trên 100.000). Đối với phụ nữ, tỷ lệ tự tử cao nhất ở các nước có thu nhập trung bình thấp (7,1 trên 100.000).
Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tự tử ở khu vực Châu Phi (11,2 trên 100.000), Châu Âu (10,5 trên 100.000) và Đông Nam Á (10,2 trên 100.000) cao hơn mức trung bình toàn cầu (9,0 trên 100.000) vào năm 2019. Tỷ lệ tự tử thấp nhất là ở khu vực Đông Địa Trung Hải (6,4 trên 100.000). Tỷ lệ tự tử toàn cầu có dấu hiệu giảm trong 20 năm (từ 2000 đến 2019), nhưng riêng ở Khu vực Châu Mỹ, tỷ lệ này tăng 17% trong cùng khoảng thời gian.
|
Mặc dù một số quốc gia đã đặt việc ngăn chặn tự tử lên cao trong chương trình nghị sự, nhưng vẫn có quá nhiều quốc gia không cam kết thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi tình trạng này. Hiện chỉ có 38 quốc gia có chiến lược phòng chống tự tử quốc gia. WHO nhấn mạnh cần phải tăng tốc đáng kể trong việc giảm số người tự tử để đạt được mục tiêu Phát triển bền vững là giảm một phần ba tỷ lệ tự tử toàn cầu vào năm 2030.
WHO đã công bố hướng dẫn toàn diện dưới tên gọi "LIVE LIFE" nhằm tăng cường các biện pháp giúp ngăn chặn tự tử, gồm 4 chiến lược:
1. Cấm các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm nhất: một biện pháp can thiệp có tác động mạnh
Ngộ độc thuốc trừ sâu được ước tính là nguyên nhân gây ra 20% tổng số vụ tự tử. WHO khuyến nghị các lệnh cấm quy mô quốc gia đối với thuốc trừ sâu độc hại cấp tính, có độ nguy hiểm cao. Thực tế chứng minh các khuyến nghị này đã cho thấy tính hiệu quả về chi phí. Các biện pháp khác bao gồm hạn chế tiếp cận súng đạn, giảm kích thước của các gói thuốc, lắp đặt các rào cản tại các điểm có thể nhảy lầu.
2. Trách nhiệm của các phương tiện truyền thông
|
WHO nhấn mạnh vai trò của truyền thông, kêu gọi tránh đưa tin quá chi tiết về những vụ việc tự tử (mô tả phương pháp), đặc biệt là những vụ liên quan người nổi tiếng viện dẫn lý do có thể tác động tới hành vi của người hâm mộ.
Hướng dẫn mới gợi ý các phương tiện truyền thông nên đưa tin về những trường hợp hồi phục thành công sau những thách thức về sức khỏe tâm thần hoặc suy nghĩ tự tử, khuyến nghị các công ty truyền thông nâng cao nhận thức để xác định và loại bỏ nội dung có hại.
3. Hỗ trợ thanh thiếu niên
Vị thành niên (10-19 tuổi) là giai đoạn quan trọng để có được các kỹ năng cảm xúc xã hội, đặc biệt là khi một nửa các tình trạng sức khỏe tâm thần xuất hiện trước 14 tuổi. Hướng dẫn LIVE LIFE khuyến khích các hành động, bao gồm các chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần và chống bắt nạt, liên kết với các dịch vụ hỗ trợ và các giao thức rõ ràng cho những người làm việc trong trường học.
4. Nhận biết sớm và theo dõi những người có nguy cơ
Việc xác định, đánh giá, quản lý và theo dõi sớm áp dụng cho những người đã cố gắng tự tử hoặc được cho là có nguy cơ tự tử. Nỗ lực tự tử trước đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến một vụ tự tử trong tương lai. Các dịch vụ về khủng hoảng cũng nên có sẵn để cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những người gặp nạn cấp tính.
(Ảnh: The Scientist) |
Hướng dẫn mới, bao gồm các ví dụ về các biện pháp can thiệp ngăn chặn tự tử đã được thực hiện trên toàn thế giới, ở các quốc gia như Úc, Ghana, Guyana, Ấn Độ, Iraq, Hàn Quốc, Thụy Điển và Hoa Kỳ, có thể được sử dụng bởi bất kỳ đối tượng nào quan tâm đến việc triển khai các hoạt động phòng chống tự tử, cho dù ở cấp quốc gia hay địa phương, cũng như trong các lĩnh vực chính phủ và phi chính phủ.